Nghiên cứu Khoa học > Tin tức
Nâng cao năng lực nghiên cứu của giảng viên tại trường Cao đẳng Hàng hải I (28/5/2015) (28/05/2015)
Tuy nhiên, ở Việt Nam hiện nay, các giảng viên đều được đánh giá nhiều nhất ở năng lực giảng dạy và năng lực chuyên môn, còn năng lực...

Tuy nhiên, ở Việt Nam hiện nay, các giảng viên đều được đánh giá nhiều nhất ở năng lực giảng dạy và năng lực chuyên môn, còn năng lực nghiên cứu thường bị lu mờ, ít được quan tâm. Nhiệm vụ nghiên cứu của giảng viên có thể được thực hiện thông qua nhiều cách thức khác nhau như tự nghiên cứu, phối hợp nghiên cứu với đồng nghiệp hay với sinh viên và thậm chí thông qua việc hướng dẫn sinh viên nghiên cứu. Để nâng cao năng lực nghiên cứu cho giảng viên, các trường cần tập trung vào các vấn đề sau:

           Thứ nhất: Thiết lập môi trường và văn hoá nghiên cứu

         Các trường có thể hỗ trợ các giảng viên thiết lập, duy trì và phát triển sự phối hợp nghiên cứu thông qua việc tổ chức các hội thảo khoa học chuyên ngành định kỳ, khuyến khích và tài trợ cho các giảng viên tham gia các hội thảo khoa học trong và ngoài nước, cung cấp các cơ sở vật chất nghiên cứu, phương tiện truyền thông đủ để các giảng viên có thể trao đổi với các đồng nghiệp ngay tại văn phòng làm việc của trường.

           Thứ hai: Sử dụng các kết quả nghiên cứu để đánh giá năng lực giảng viên

           Ở các trường đại học, cao đẳng của Việt Nam, năng lực chuyên môn của giảng viên luôn được đặt lên hàng đầu khi tất cả các giảng viên thường được tuyển chọn từ các sinh viên khá giỏi trong lĩnh vực chuyên môn sẽ được tham gia giảng dạy. Năng lực giảng dạy của giảng viên cũng đang được nâng cao khi các lớp kỹ năng giảng dạy liên tục được tổ chức tại các trường và một giảng viên khi muốn giảng dạy chính thức phải đạt chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm. Tuy nhiên, năng lực nghiên cứu của giảng viên chưa được chú trọng để nâng cấp. Cho dù đã có những chỉ tiêu và tổng số giờ chuẩn nghiên cứu khoa học của giảng viên do Bộ Giáo Dục & Đào Tạo qui định. Trong thực tế, các chỉ tiêu đánh giá năng lực và khen thưởng giảng viên thường chỉ chú trọng vào số tiết giảng dạy và có thể là sự phản hồi của sinh viên. Các kết quả nghiên cứu của giảng viên thường không được đánh giá đúng mức và cũng không phải là những công việc bắt buộc của giảng viên. Do đó, không ngạc nhiên khi các chỉ số đánh giá năng suất nghiên cứu khoa học như bằng sáng chế, bài báo khoa học, số lượng đề tài nghiên cứu chủ trì hay tham gia,… của giảng viên đại học Việt Nam rất thấp so với các đồng nghiệp quốc tế.

Thứ ba: Tự nâng cao năng lực nghiên cứu

Trong quá trình hoạt động, các trường đã dần dần thiết lập và duy trì một môi trường nghiên cứu thích hợp, các giảng viên trong chức trách và trách nhiệm của mình vẫn có thể tự nâng cao năng lực nghiên cứu của bản thân. Việc tham gia các khoá đào tạo kỹ năng nghiên cứu hay tự trau dồi kỹ năng nghiên cứu, tự thiết lập các yêu cầu nghiên cứu cho giảng viên là hết sức cần thiết. Tất nhiên, việc nghiên cứu của giảng viên không chỉ là phải tự thực hiện hay tham gia thực hiện các đề tài nghiên cứu. Các giảng viên có thể thực hiện nghiên cứu thông qua việc lồng ghép phân tích các nghiên cứu điển hình, các tình huống thực tế cần giải quyết vào bài giảng, hướng dẫn sinh viên thực hiện các tiểu luận nghiên cứu v.v…

           Việc tích cực tham gia các buổi trao đổi, thuyết trình kết quả nghiên cứu hay tham gia hội thảo nên được xem là các hoạt động cần thiết của một giảng viên để có thể tiếp xúc trao đổi với đồng nghiệp, chia sẻ kinh nghiệm trong nghiên cứu hay ít nhất là để có thêm thông tin phục vụ cho việc giảng dạy của mình. Những giảng viên (hay nhóm giảng viên) thực hiện các đề tài nghiên cứu cũng chủ động gửi đăng các kết quả nghiên cứu trên các tạp chí khoa học trong và ngoài nước. Cho dù bài viết có thể không được đăng tải như mong muốn nhưng những ý kiến đóng góp từ ban biên tập tạp chí hay từ các nhận xét bình duyệt của các đồng nghiệp, bên cạnh việc nâng cao kỹ năng viết bài báo khoa học, sẽ giúp giảng viên khắc phục các nhược điểm của các đề tài nghiên cứu. Từ đó, giảng viên cũng có thể gặt hái được những ý tưởng tốt cho các nghiên cứu tiếp theo. Thông qua việc xuất bản bài báo nghiên cứu, các giảng viên cũng có điều kiện tham gia vào đội ngũ bình duyệt của các tạp chí khoa học. Việc tham gia bình duyệt cho phép những giảng viên được tiếp cận với những kết quả nghiên cứu mới nhất và là cơ hội để củng cố kiến thức chuyên môn, nâng cao năng lực của giảng viên.

           Từ những lý luận và thực tiễn nêu trên, trong những năm gần đây, đặc biệt trong năm học 2014-2015, trường Cao đẳng Hàng hải I đã thực sự quan tâm và triển khai các hoạt động để tăng cường nghiên cứu khoa học trong giảng viên và học sinh, sinh viên, tạo ra môi trường nghiên cứu thực sự sôi động ở từng đơn vị. Các giảng viên coi việc thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu khoa học là nhiệm vụ phải thực hiện trong ba nhiệm vụ chính của giảng viên. Việc nghiên cứu đã trở thành nhu cầu thực sự trong từng lĩnh vực của nhà trường, từ việc đổi mới chương trình đào tạo, phương pháp giảng dạy, biên soạn giáo trình, tài liệu giảng dạy đến việc xây dựng và sử dụng phần mềm vào phần lớn các hoạt động điều hành của nhà trường.

           Một minh chứng thực tế về hoạt động nghiên cứu khoa học tại Khoa Khai thác Máy tàu biển với 23 giảng viên có trình độ đại học trở lên, trong đó có 13 Thạc sỹ và 01 giảng viên đang làm Nghiên cứu sinh. Trong năm 2014, khoa Khai thác máy tàu biển đã tham gia chỉnh sửa 05 chương trình đào tạo phù hợp với Công ước STCW 78/2010 và đã biên soạn và đưa vào sử dụng 10 giáo trình phục vụ công tác giảng dạy và học tập của sinh viên hệ cao đẳng.

           Bên cạnh đó, nhà trường đã triển khai thực hiện Quy chế làm việc của giảng viên và Quy chế đánh giá cán bộ viên chức từ năm 2014. Trong đó việc thực hiện nhiệm vụ khoa học công nghệ được quy định rõ ràng với từng loại nhiệm vụ như: tham gia đề tài cấp nhà nước, cấp bộ, cấp trường; sáng kiến khoa học; viết bài đăng trên tạp chí khoa học quốc tế và trong nước; tham gia hội thảo khoa học, báo cáo viên v.v....các quy chế đều đánh giá rất cao việc thực hiện các nhiệm vụ khoa học của cán bộ viên chức. Các chủ nhiệm đề tài được hưởng các chế độ tính điểm trong tháng nếu bảo vệ thành công đề tài và cộng điểm trung bình chung của năm học. Đồng thời, giảng viên sẽ bị trừ điểm nếu đề tài thực hiện chậm so với kế hoạch đăng ký mà không đưa ra được lý do hợp lý. Như vậy, kết qủa nghiên cứu của giảng viên đã được sử dụng để đánh giá năng lực giảng viên chính xác, có tác dụng phát huy tích chủ động nghiên cứu của giảng viên.

           Từ môi trường nghiên cứu đang được nhân rộng trong nhà trường, kết hợp với việc ban hành các quy chế sử dụng kết quả nghiên cứu của giảng viên trong việc đánh giá cán bộ giảng viên, đã tạo nên một phong trào tự nghiên cứu trong cán bộ, giảng viên nhà trường. Năm học 2014-2015, là năm đầu tiên nhà trường thực hiện nhiều nhiệm vụ nghiên cứu nhất từ trước đến nay, từ các đề tài nghiên cứu cấp bộ, các nhiệm vụ nghiên cứu theo đơn đặt hàng của nhà nước, và gần 40 đề tài nghiên cứu cấp trường.

           Hưởng ứng phong trào nghiên cứu, trong 6 tháng đầu năm 2015 giảng viên khoa Khai thác Máy đã đăng ký 02 đề tài cấp trường và đã được Hội đồng khoa học nhà trường chấp thuận và đề nghị Hiệu trưởng giao nhiệm vụ. Bên cạnh đó, tập thể giảng viên trong khoa đã tham gia xây dựng chương trình đào tạo liên thông từ Sơ cấp nghề lên Trung cấp nghề phục vụ giảng dạy đáp ứng nhu cầu người học. Triển khai viết 06 tập bài giảng phục vụ giảng dạy cho các lớp Cao đẳng nghề, Trung cấp nghề đã được nghiệm thu cấp khoa để đưa vào sử dụng.

           Mặc dù kết quả đạt được của Khoa Khai thác Máy còn chưa cao, tuy nhiên, đây chính là sản phẩm trí tuệ, là công lao đóng góp của tập thể giảng viên trong khoa vào thành tích nghiên cứu chung của trường Cao đẳng Hàng hải I. Hy vọng với sự nỗ lực của các giảng viên trong khoa, thành tích nghiên cứu của giảng viên và học sinh sinh viên trong khoa Khai thác Máy sẽ thực sự khởi sắc trong năm học tới.

           Tin từ Khoa Khai thác Máy tàu biển – trường Cao đẳng Hàng hải I


Bạn đã tốt nghiệp tại Cao Đẳng Hàng Hải I và hiện đang:
 Làm việc đúng chuyên ngành
 Tìm việc
 Làm việc không đúng chuyên ngành
 Chờ học tiếp
Biểu quyết Xem kết quả
OnlineOnline
TotalTotal