Khoa - xưởng > Khoa Điện - điện tử
Một số các giải pháp tăng cường phương pháp giảng dạy tích hợp tại trường Cao đẳng Hàng hải I (14/03/2016)


Bài dạy tích hợp là đơn vị học tập nhỏ nhất có khả năng hình thành nơi người học cả kiến thức, kỹ năng, thái độ cần thiết để giải quyết một công việc hoặc một phần công việc chuyên môn cụ thể, góp phần hình thành năng lực thực hiện hoạt động nghề nghiệp của người học.

Xây dựng bài dạy theo quan điểm tích hợp, người giáo viên không chỉ chú trọng nội dung kiến thức tích hợp mà còn phải xây dựng một hệ thống hoạt động, thao tác tương ứng nhằm tổ chức, dẫn dắt người học từng bước thực hiện để hình thành năng lực. Bài dạy theo quan điểm tích hợp phải là một giờ học hoạt động phức hợp đòi hỏi sự tích hợp các kiến thức, kỹ năng chuyên môn để giải quyết tình huống nghề nghiệp. Bài dạy tích hợp liên quan đến các thành phần: Như chương trình đào tạo nghề; Mô đun giảng dạy; Giáo án tích hợp; Đề cương bài giảng theo giáo án; Đề kiểm tra và các mô phỏng, bản vẽ, biểu mẫu sử dụng trong bài giảng.

Trong các thành phần trên, Giáo án tích hợp là thành phần quan trọng nhất. Vì vậy, để tổ chức dạy học tích hợp thành công thì giáo viên phải biên soạn và thực hiện được giáo án tích hợp phù hợp với trình độ của người học với điều kiện thực tiễn của cơ sở đào tạo, nhưng vẫn đảm bảo thời gian và nội dung theo chương trình khung đã quy định. Dưới đây tác giả chỉ tập trung đưa ra một số các giải pháp triển khai biên soạn, giảng dạy Giáo án tích hợp trong Trường cao đẳng Hàng hải I

1. Thực trạng

1.1. Các biểu mẫu giáo án tích hợp.

Sau khi Mẫu Giáo án tích hợp số 07, ban hành kèm theo Quyết định số 62/2008/QĐ-BLĐTBXH ngày 04/11/2008 được triển khai áp dụng vào giảng dạy tại các trường dạy nghề, có phát sinh sự lúng túng trong phần thực hiện bài học. Tổng cục dạy nghề đã ban hành Công văn 1610/TCDN-GV, ngày 15/9/2010, hướng dẫn cụ thể cách giới thiệu chủ đề, giải quyết vấn đề, cách phân chia thành các tiểu kỹ năng trong phần thực hiện bài học, các phần còn lại giữ nguyên vẫn theo Quyết định số 62/2008/QĐ-BLĐTBXH.

Mặc dù các hội nghị, hội thảo chuyên đề hướng dẫn về biểu mẫu giáo án tích hợp trong nhà trường những năm qua được tổ chức rất nhiều, tuy nhiên số lượng các bài giảng sử dụng giáo án tích hợp trong các đơn vị còn chưa đáp ứng tối đa so với nhu cầu. Để triển khai hiệu quả giảng dạy bằng giáo án tích hợp, tháng 6 năm 2015 nhà trường đã thành lập Ban tư vấn, hỗ trợ kỹ năng biên soạn và giảng dạy giáo án tích hợp theo Quyết định số 635/QĐ-CĐHHI, ngày 08/6/2015. Phòng Đào tạo đã tổ chức thành công hội nghị về hướng dẫn kỹ năng biên soạn và giảng dạy tích hợp cho toàn thể giáo viên trong nhà trường, đồng thời nhà trường cũng thống nhất năm học 2015 - 2016 các đơn vị đào tạo bắt buộc phải lựa chọn và biên soạn 02 môn học/mô đun được thực hiện biên soạn và giảng dạy bằng giáo án tích hợp. Đây là sự thay đổi lớn về phương pháp giảng dạy trong nhà trường để đáp ứng được sự thay đổi của chương trình đào tạo theo hướng dạy nghề của Luật giáo dục nghề nghiệp.

1.2. Biên soạn và giảng dạy giáo án tích hợp của giáo viên

Nhiệm vụ quan chính của giáo viên là biên soạn và giảng dạy bài học theo đề cương chi tiết từng môn học, mô đun. Thống kê qua các đợt hội giảng cấp Khoa (cơ sở), cấp Trường cho thấy việc áp dụng biên soạn và giảng dạy giáo án tích hợp trong trường còn chưa nhiều qua số liệu thống kê của 3 kỳ hội giảng gần đây:

1.3. Chương trình đào tạo và cơ sở vật chất.

Chương trình đào tạo khối Cao đẳng và Trung cấp chính quy, kết cấu chương trình đào tạo gồm có học phần là các môn học lý thuyết với số lượng kiến thức (chiếm 70%), còn lại là bài tập và thực hành là rất ít (chiếm 30%). Với kết cấu chương trình như trên thì việc biên soạn được một bài giảng tích hợp đảm bảo tính tích hợp giữa truyền thụ kiến thức lý thuyết với hình thành rèn và luyện kỹ năng thực hành, nhằm tạo điều kiện cho người học chủ động tham gia và hình thành cho người học năng lực thực hành gặp rất nhiều khó khăn.

Chương trình đào tạo hệ Dạy nghề (Cao đẳng nghề và Trung cấp nghề) đã được Bộ lao động Thương binh và Xã hội ban hành với sơ đồ phân tích nghề, tiêu chuẩn kỹ năng nghề, phân tích công việc, các kỹ năng cơ bản...vv. Tỉ lệ lý thuyết và thực hành trong mỗi mô đun là phù hợp với việc biên soạn và giảng dạy giáo án tích hợp, nhưng để đảm bảo thực hiện tốt một bài dạy tích hợp trong nhà trường về giáo trình, cơ sở vật chất (Phòng học chuyên môn, thiết bị dạy học) cần phải có quá trình phân tích, lựa chọn thích hợp để đáp ứng đầy đủ các yêu cầu của bài dạy tích hợp.

1.4. Nhận thức của người học.

Trên cơ sở phân tích ảnh hưởng của các phương pháp giảng dạy cũ, đơn điệu và chương trình đào tạo, giáo trình chưa được cập nhật đã tạo cho người học thường thụ động trong việc tiếp thu kiến thức mới, dẫn đến các bất cập sau:

- Trình độ thực hiện kỹ năng nghề còn yếu do phương pháp dạy và chương trình đào tạo thường là học xong lý thuyết sau đó mới có đợt thực tập chuyên môn;

- Giáo viên giảng giải, người học nghe giảng, ghi chép và hoàn toàn dựa vào sự chỉ bảo, hướng dẫn của giáo viên, chỉ học và thực hiện những gì giáo viên yêu cầu đã làm mất đi ý nghĩa tích cực, vì người học không chủ động phản biện chất vấn lại;

- Đa phần người học chỉ ghi chép, ghi nhớ các nội dung chính của bài học, không đi sâu vào tìm hiểu ý nghĩa, tầm quan trọng của những sự kiện ấy, không tích cực động não suy nghĩ để nắm được bản chất của vấn đề. Người học ít suy nghĩ những vấn đề đang học với những vấn đề đã học, giữa nội dung học và thực tiễn và ít chấp nhận sự thay đổi hoặc những ý tưởng mới, không hứng thú với đề tài lạ, khó;

- Người học ít lui tới thư viện, mặc dù nhà trường đã đầu tư cơ sở vật chất cho thư viện trong những năm gần đây rất nhiều;

- Im lặng trước các câu hỏi của giáo viên, người học cho rằng không biết thì không cần phải trả lời, giáo viên sẽ trả lời nếu mất thời gian quá lâu cho câu hỏi đó. Người học không muốn bị chú ý khi trả lời sai, thiếu tự tin, nói vấp. Không chuẩn bị trước bài ở nhà, không hứng thú với môn học. Thiếu tập trung do tán gẫu hoặc câu hỏi không có trong giáo trình, vượt ngoài kiến thức hiểu biết.

Việc giảng dạy bằng phương pháp dạy học tích hợp có thể cải thiện được những bất cập nêu trên, giảm thiểu tính thụ động của người học vì người học sẽ phải tham gia tích cực vào hoạt động học trong bài học để hoàn thành kỹ năng của bài học.

2. Giải pháp:

Trên cơ sở phân tích thực trạng giảng dạy tích hợp tại nhà trường, ta thấy: Tỉ lệ và tần suất sử dụng giáo án tích hợp của các khoa chuyên môn chưa cao, giáo viên chưa phát huy tối đa bài giảng tích hợp. Để nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp và triển khai hiệu quả việc dạy học tích hợp cần một số giải pháp sau:

2.1. Giải pháp trước mắt:

- Các đơn vị chuyên môn trong khối đào tạo nhà trường cần phải triển khai tổ chức thực hiện tốt việc hướng dẫn biên soạn giáo án và tổ chức dạy học tích hợp theo Công văn Số: 1610/TCĐN-GV ngày 15 tháng 9 năm 2010.

- Việc biên soạn và giảng dạy bài giảng tích hợp phải đầu tư thời gian, công sức lớn, giáo viên phải vững kiến thức lý thuyết và kỹ năng thực hành, nhiều khi phải tự làm tự làm trang thiết bị, cơ sở vật chất phù hợp với bài dạy...Vì vậy để khuyến khích giáo viên Nhà trường cần quy đổi số tiết chuẩn cho phù hợp.

- Nhà trường cần đưa ra các tiêu chí cũng như tỉ lệ bắt buộc số bài giảng tích hợp cho từng đơn vị trong các kỳ học, nhất là trong các đợt hội giảng cấp cơ sở, cấp trường. Trước hết lựa chọn tập trung điều chỉnh một số mô đun, môn học có thể chuyển sang giảng dạy tích hợp được ngay.

2.2. Giải pháp lâu dài:­

Để giảng dạy tích hợp trong Nhà trường thực sự có hiệu quả song song với giải pháp trước mắt cần thực hiện đồng bộ các giải pháp sau:

- Về chương trình đào tạo: Điều chỉnh chương trình đào tạo các hệ, các ngành theo hướng mô đun hóa và định hướng đầu ra là năng lực hành nghề.

- Về phương pháp dạy học: Lựa chọn các phương pháp dạy học được áp dụng theo định hướng hành động, tích hợp giữa truyền thụ kiến thức (lý thuyết) với hình thành rèn và luyện kỹ năng (thực hành), nhằm tạo điều kiện cho người học chủ động tham gia và hình thành cho người học năng lực thực hành nghề.

- Về phương tiện dạy học: Đầu tư, xây dựng các phương tiện dạy học bao gồm cả học liệu được thiết kế, phát triển phù hợp với các mô đun đào tạo nghề.

- Về giáo viên: Giảng dạy tích hợp là dạy kết hợp lý thuyết và thực hành, do vậy giáo viên phải đảm bảo dạy được cả lý thuyết và thực hành nghề. Ngoài kiến thức chuyên môn, kỹ năng tay nghề thì giáo viên phải có trình độ xác định các mục tiêu bài dạy, phân bố thời gian hợp lý, chọn lựa phương pháp dạy học phù hợp, khả năng bao quát và điều hành hoạt động của người học.

- Về người học: Khi thực hiện bài học trên lớp giáo viên phải khích lệ tính chủ động, tích cực, độc lập và tinh thần hợp tác của người học, bắt người học tham gia vào bài học, thực hiện các kỹ năng tạo ra sản phẩm.

- Về đánh giá người học: Đánh giá kết quả học tập nhằm xác định các năng lực mà người học đã đạt được thông qua đánh giá sự thực hiện cũng như mức độ đạt được các mục tiêu kiến thức, kỹ năng và thái độ.

- Về cơ sở vật chất: Bản chất của dạy học tích hợp là tổ chức dạy học kết hợp giữa dạy lý thuyết và dạy thực hành trong cùng không gian, thời gian và địa điểm. Điều này có nghĩa là khi dạy một kỹ năng nào đó thì phần kiến thức liên quan đến đâu sẽ được dạy đến đó và sẽ được thực hành ngay kỹ năng đó. Do đó phòng dạy tích hợp sẽ khác phòng dạy lý thuyết và phòng chuyên dạy thực hành, tức là phải trang bị đầy đủ trang thiết bị dạy học, cũng như dụng cụ thực hành kỹ năng, cụ thể phải đáp ứng điều kiện dạy được cả lý thuyết và thực hành. Phòng học phải có chỗ để học lý thuyết đồng thời cũng phải có chỗ để bố trí máy móc thiết bị thực hành. Vì vậy, diện tích phòng dạy học tích hợp phải đủ lớn để kê bàn, ghế học lý thuyết, lắp đặt các thiết bị hỗ trợ giảng dạy lý thuyết, lắp đặt đủ các thiết bị thực hành cho người học.

Với mong muốn nâng cao chất lượng đạo tạo nghề, việc phát triển phương pháp dạy học tích cực là một trong các giải pháp được đánh giá là quan trọng, có tác động nhanh nhất tới mục tiêu đề ra. Nhóm tác giả mong muốn được chia sẻ các thông tin về dạy học tích cực tới các tập thể, cá nhân trong toàn để cùng hướng tới một chất lượng đào tạo của nhà trường ngày càng được nâng cao, đặc biệt trong lĩnh vực hàng hải.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

 [1]. Bộ GTVT. Tài liệu bồi dưỡng giáo viên dạy nghề ngành GTVT tháng 11/2014.

 [2]. Nguyễn Thị Phương Hoa, Trường ĐHSPKT TP HCM. Phương pháp và kỹ thuật dạy học tích hợp.

 [3]. Khoa sư phạm nghề Trường CĐN GTVTTW III." Cơ sở lý luận về Dạy học tích hợp".

 [4]. Đỗ Mạnh Cường, chuyên đề: Năng lực thực hiện và dạy học tích hợp trong đào tạo nghề. Tháng 6/2011.

 [5]. Báo cáo tổng kết Hội thi GVDG cấp trường năm học 2011, 2013, 2015.

Tài liệu đính kèm: 20160316_Phụ lục Mẫu giáo án.docx

Tin bài Khoa Điện - Điện tử


Bạn đã tốt nghiệp tại Cao Đẳng Hàng Hải I và hiện đang:
 Làm việc đúng chuyên ngành
 Tìm việc
 Làm việc không đúng chuyên ngành
 Chờ học tiếp
Biểu quyết Xem kết quả
OnlineOnline
TotalTotal