Tin tức chung
Ô nhiễm rác thải nhựa: Hiểm họa đe dọa nhân loại (25/09/2020)


Thảm họa nghiêm trọng

Loại ô nhiễm do rác thải nhựa và túi nilon gây ra chính là thảm họa do chính con người tự gây nên cho chính bản thân mình, cho đồng loại và giờ đây đang trở thành vấn đề cấp thiết toàn cầu và được xem là thách thức môi trường lớn thứ hai thế giới, sau biến đổi khí hậu.

Tháng 6 vừa qua, Liên hợp quốc đã công bố một báo cáo về môi trường với những con số khiến không ít người choáng váng. Hiện có tới 5.000 tỷ chiếc túi nhựa đã được sử dụng trên thế giới mỗi năm. Nếu xếp chúng cạnh nhau có thể bao trùm một khu vực rộng gấp đôi diện tích nước Pháp. Mỗi phút, toàn thế giới tiêu thụ 1 triệu chai nhựa. Tổng cộng, mỗi năm, thế giới thải ra khoảng 300 triệu tấn rác thải nhựa, gần tương đương với trọng lượng của toàn bộ dân số toàn cầu.

Loại chất dẻo này chiếm 10% tổng lượng chất thải hiện đang tác động tiêu cực đến môi trường, kinh tế và sức khỏe con người. Chỉ tính riêng năm 2018, các nhà sản xuất trên thế giới đã sản xuất ra 360 triệu tấn nhựa.

Hiện thế giới đang phải đối mặt với khoảng hơn 9,1 tỷ tấn rác thải nhựa tích tụ trên Trái đất. Chất thải nhựa kể cả được thu gom đưa đi chôn lấp lẫn vào đất vẫn tồn tại hàng trăm năm, làm thay đổi tính chất vật lý của đất, gây xói mòn đất, làm cho đất không giữ được nước, dinh dưỡng, ngăn cản oxy đi qua đất, ảnh hưởng đến sinh trưởng của cây trồng…

“Ô nhiễm trắng” với túi nilon và rác thải nhựa đã và đang để lại những hậu quả nghiêm trọng đối với môi trường cũng như sức khỏe của con người trên khắp hành tinh. Theo các chuyên gia, phải mất hàng trăm, thậm chí hàng nghìn năm, các chất thải từ nhựa và nilon mới bị phân hủy.

Nhiều loại túi nilon được làm từ dầu mỏ nguyên chất khi chôn lấp sẽ ảnh hưởng tới môi trường đất và nước, còn đốt chúng sẽ tạo ra khí thải có chất độc dioxin và furan gây ngộ độc, ảnh hưởng tuyến nội tiết, gây ung thư, giảm khả năng miễn dịch,… Bên cạnh đó, việc dùng túi nilon đựng đồ ăn nóng sẽ sinh ra nhiều chất độc hại cho cơ thể. Những túi nilon nhuộm màu xanh, đỏ, chứa các kim loại như chì, cadimi, nếu đựng thực phẩm đã chế biến sẽ gây hại cho sức khỏe con người.

Ước tính, mỗi năm có khoảng 3,7 triệu tấn rác thải nhựa đổ vào các đại dương trên thế giới từ các vùng ven biển. Số nhựa đó đã gây hại nghiêm trọng cho các sinh vật biển và môi trường biển. Hình ảnh các rạn san hô bị bao phủ bởi túi nilon, ống hút bị kẹt trong mũi rùa, cá voi hay chim biển chết đói vì ăn nhiều nhựa… được các tờ báo lớn, các nhóm hoạt động vì môi trường chia sẻ nhiều tới mức chóng mặt trên các mạng xã hội trong thời gian qua.

Rác thải nhựa đang trở thành mối đe dọa nghiêm trọng đối với loài người

Khoảng 40% các sản phẩm nhựa được sử dụng làm bao bì đóng gói và phần lớn số đó chỉ được sử dụng một lần rồi vứt đi. Chỉ dưới 1/5 tổng lượng nhựa trên thế giới được tái chế, mặc cho nhiều quốc gia và doanh nghiệp đang tìm giải pháp để tăng con số này lên. Bên cạnh đó, quy trình sản xuất nhựa cũng gây rất nhiều tác hại tới môi trường. Từ việc khai thác nguyên liệu đến sản xuất ra sản phẩm, sự phát thải của các nhiên liệu hóa thạch gây ô nhiễm cả không khí lẫn đại dương.

Giá đắt cho nhân loại

Cũng giống như các mối đe dọa khác của môi trường đối với con người, cơn khủng hoảng ô nhiễm nhựa là do chính con người gây ra và hậu quả cũng chính là con người phải hứng chịu. Sự thiếu hiểu biết không phải là một cái cớ và tương tự, nguồn lợi nhuận khổng lồ từ sản xuất nhựa sử dụng một lần có rất ít hoặc không giúp gì cho việc cải thiện tình trạng ô nhiễm nói trên. Năm 2017, Tổng thống Mỹ Donald Trump thậm chí đã bỏ lệnh cấm bán nước đóng chai tại các công viên quốc gia Mỹ – một động thái không có lợi cho ai ngoại trừ những công ty đa quốc gia làm ra chúng.

Mới đây, các quốc gia thuộc nhóm 7 nền công nghiệp phát triển nhất thế giới – G7 đã đồng ý với cơ chế hợp tác toàn cầu về giảm chất thải nhựa, đồng ý tăng công suất tái chế nhựa lên 50%, cùng với nhiều bước tích cực khác để giảm tác động của nhựa tới môi trường. Chỉ có hai quốc gia từ chối ký kết là Nhật Bản và Mỹ, ông Trump còn không buồn tham dự buổi thảo luận đó. Cả Nhật và Mỹ đều có các ngành công nghiệp chế tạo nhựa khổng lồ với hàng triệu nhân công và doanh thu khổng lồ.

Mới đây, Anh và Liên minh châu Âu đã công bố kế hoạch cấm ống hút, bông ngoáy tai bằng nhựa và nhựa sử dụng một lần như dao kéo và túi nilon. Ấn Độ cũng đã cam kết cấm sử dụng nhựa một lần vào năm 2022 và Trung Quốc – nhà phát thải ô nhiễm nhựa hàng đầu thế giới – đang thực hiện các bước để giải quyết vấn đề này thông qua lệnh cấm nhập khẩu chất thải nhựa. Chile cũng đã ban hành luật cấm túi nilon ngày 6/7 vừa qua. Seattle vừa trở thành thành phố đầu tiên ở Mỹ cấm sử dụng ống hút và dao dĩa nhựa,… Tất cả những động thái trên đều chứng tỏ các nhà lãnh đạo trên thế giới đã thức tỉnh và mau chóng tìm cách giảm thiểu độ nguy hại.

Nguồn: moitruong.net.vn


Bạn đã tốt nghiệp tại Cao Đẳng Hàng Hải I và hiện đang:
 Làm việc đúng chuyên ngành
 Tìm việc
 Làm việc không đúng chuyên ngành
 Chờ học tiếp
Biểu quyết Xem kết quả
OnlineOnline
TotalTotal