Khoa - xưởng > Khoa Cơ bản > Tổ Tin học
Thực trạng và giải pháp nâng cao chất lượng thực tập của sinh viên ngành Tin học ứng dụng tại Trường Cao đẳng Hàng hải I (29/06/2016)


Tại các trường cao đẳng hiện nay, trong quá trình học tập, sinh viên thường được trải qua hai kỳ thực tập. Kỳ thực tập thứ nhất được bố trí vào năm học thứ 2, kỳ thực tập thứ hai được thực hiện ngay trước khi sinh viên ra trường. Thực tập lần 1 có thời gian tương đối dài, khoảng 2 - 4 tuần với mục đích chủ yếu là giúp sinh viên bước đầu tiếp cận với thực tế công việc. Kỳ thực tập thứ hai (còn được gọi là thực tập tốt nghiệp) có thời gian dài hơn, thường kéo dài khoảng 2 tháng, được tiến hành sau khi sinh viên đã được đào tạo hoàn chỉnh về kiến thức chuyên môn trong nhà trường, đã chuẩn bị tâm lý cho việc tốt nghiệp, chuẩn bị đi làm thực sự, do đó kỳ thực tập này có ý nghĩa rất quan trọng đối với cả 3 đối tượng: nhà trường, sinh viên và đơn vị tiếp nhận sinh viên thực tập.

Hình 1: Lễ bế giảng chương trình thực tập của sinh viên ngành Tin học tại Trung tâm Thông tin Tin học - Văn phòng UBND thành phố Hải Phòng

Tham gia trực tiếp vào quá trình thực tập gồm 2 đối tượng, đó là sinh viên và đơn vị tiếp nhận sinh viên thực tập, ngoài ra tham gia gián tiếp còn có các bộ phận trong nhà trường (được gọi tắt là nhà trường) đang đóng một vai trò rất quan trọng. Trước tiên, nhà trường là nơi đào tạo, cung cấp cho sinh viên các kiến thức, kỹ năng sinh viên sẽ sử dụng trong quá trình thực tập. Nếu những kiến thức, kỹ năng đó thiết thực, gắn liền với thực tế thì sẽ giúp sinh viên dễ dàng hơn trong quá trình tiếp cận với công việc để có một kỳ thực tập thành công. Ngược lại, nếu những kiến thức sinh viên nhận được trên giảng đường xa rời thực tế thì sẽ gặp rất nhiều khó khăn khi đi thực tập, thậm chí có thể làm hạn chế tinh thần hăng say lao động, tình yêu nghề nghiệp của sinh viên. Ngoài ra, nhà trường còn là cầu nối giữa sinh viên và đơn vị tiếp nhận, thể hiện qua việc tìm kiếm những địa chỉ thích hợp để giới thiệu sinh viên tới thực tập, chuẩn bị cho sinh viên các giấy tờ cần thiết để liên hệ, hướng dẫn trước cho sinh viên một số điều cần biết khi tham gia vào công việc thực tế và đề cương quy định nội dung thực tập. Có thể nói, sinh viên thực tập thành công hay không phụ thuộc một phần lớn vào quá trình đào tạo và chuẩn bị của nhà trường dành cho sinh viên.

Mối quan hệ giữa nhà trường – sinh viên – đơn vị tiếp nhận thực tập sinh không chỉ có sự tác động một chiều. Ngược lại, về phía nhà trường cũng nhận được nhiều ích lợi từ các kỳ thực tập này. Thông qua việc hướng dẫn, kèm cặp sinh viên thực tập, các cơ quan, doanh nghiệp giúp nhà trường trang bị kinh nghiệm thực tiễn một cách tốt nhất cho sinh viên, giúp nâng cao chất lượng đầu ra. Trong quá trình sinh viên thực tập, các doanh nghiệp thường có những góp ý thiết thực về các nội dung đào tạo mà nhà trường cần bổ sung, thực sự hữu ích cho việc đổi mới chương trình đào tạo sát hơn với yêu cầu sản xuất. Bản thân nhà trường thường khó nhận ra được sự “chưa phù hợp” giữa chương trình đào tạo và thực tiễn công việc sinh viên sẽ làm, do đó sự góp ý của các đơn vị, doanh nghiệp là rất cần thiết. Với sự hợp tác chặt chẽ giữa nhà trường và doanh nghiệp, việc theo dõi  tình hình việc làm của sinh viên sau khi ra trường và đánh giá chất lượng đào tạo sẽ dễ dàng và hiệu quả hơn. Các chương trình thực tập cũng mở ra nhiều cơ hội hợp tác giữa nhà trường và doanh nghiệp trong các lĩnh vực liên quan khác như: Doanh nghiệp tạo điều kiện cho sinh viên tham quan vào công việc thực tiễn, tài trợ học bổng cho sinh viên, tuyển dụng sinh viên sau khi tốt nghiệp v.v...

Đối với sinh viên, việc thực tập có vai trò quan trọng không chỉ là điểm số mà còn giúp sinh viên được tiếp cận với nghề nghiệp mà họ đã lựa chọn khi bước chân vào trường. Các hoạt động thực tiễn, thêm một lần nữa hiểu được mình sẽ làm công việc như thế nào sau khi ra trường và mình có thực sự phù hợp với công việc đó hay không. Quá trình áp dụng các kiến thức học được trong nhà trường vào thực tế công việc giúp sinh viên nhận biết được điểm mạnh, điểm yếu, tự thấy cần trang bị thêm những kiến thức, kỹ năng gì để đáp ứng nhu cầu công việc trong tương lai. Trong quá trình thực tập, sinh viên có thể thiết lập được các mối quan hệ liên quan đến nghề nghiệp của mình, điều này rất hữu ích cho sinh viên khi ra trường. Nếu thực tập tốt, họ còn có cơ hội kiếm được việc làm ngay trong quá trình thực tập.

Thực hiện chủ trương của Đảng ủy, Ban giám hiệu nhằm nâng cao năng lực làm việc của sinh viên sau khi ra trường, từng bước cải tiến chương trình đào tạo  thích ứng với yêu cầu của cơ quan tuyển dụng. Tổ Tin học đã phân công cố vấn học tập tiến hành lấy phiếu khảo sát nguyện vọng, định hướng từng sinh viên về chuyên ngành và nơi thực tập. Cán bộ giảng viên Tổ đã liên hệ, tìm hiểu về cơ cấu tổ chức, hoạt động kinh doanh, môi trường làm việc với các doanh nghiệp, trung tâm đào tạo về công nghệ thông tin để có thể định hướng cho các em chọn địa điểm thực tập phù hợp với nguyện vọng và khả năng của từng sinh viên.

Lãnh đạo tổ Tin học, cùng với cố vấn học tập đã phổ biến kinh nghiệm cần biết, nội quy kỷ luật lao động chung khi đi thực tập, định hướng lại kiến thức chuyên ngành cho sinh viên ngành Tin học ứng dụng; sự hỗ trợ về chính sách và quy chế khen thưởng của nhà trường đối với sinh viên khi đi thực tập hoàn thành tốt kỳ thực tập.

1. Thực trạng thực hiện chương trình thực tập

Chương trình thực tập có vai trò quan trọng đối với cả nhà trường, sinh viên và các cơ quan, doanh nghiệp nhưng không phải các chương trình thực tập hiện nay được triển khai hoàn toàn có hiệu quả. Đồng thời, các cơ quan, doanh nghiệp đều không hào hứng đối với việc tiếp nhận sinh viên thực tập bởi một số nguyên nhân:

Hình 2: Sinh viên trong buổi học thực hành tại phòng máy nhà trường

Thứ nhất: Khi tiếp nhận thực tập sinh, các cơ quan phải cử người hướng dẫn thực tập, điều này khiến họ cảm thấy như công việc bị ảnh hưởng, làm chậm tiến độ trong một thời gian.

Thứ hai: Các cơ quan chưa  nhìn nhận thấy lợi ích của hoạt động thực tập đối với đơn vị mình nói riêng và ngành nghề, lĩnh vực hoạt động nói chung.

Thứ ba: Tâm lý không coi trọng khả năng của sinh viên thực tập, bị e ngại sẽ bị lộ những thông tin cần bảo mật. Vì thế, sinh viên không được tin tưởng giao cho công việc đúng chuyên môn của mình, không được hướng dẫn làm các công việc đúng chuyên môn và phù hợp.

Giai đoạn 2007 – 2015, áp dụng phương pháp đăng ký thực tập theo nguyện vọng cho số sinh viên từ các khóa 38, 39, 40, tổ Tin học đã làm tốt công tác định hướng và giám sát quá trình thực tập của sinh viên ngành Tin học ứng dụng. Kết quả đánh giá thực tập sinh viên các khóa đều chất lượng, phù hợp với nhu cầu thực tế sản xuất, sinh viên đã được tiếp cận được với công việc tại điểm thực tập, có thêm kinh nghiệm về nghề nghiệp và cuộc sống. Điều này khiến kỳ thực tập thực sự trở lên hữu ích đối với sinh viên.

Hình 3: Sinh viên thảo luận bài tập lớn môn học dưới sự hướng dẫn của giáo viên tại cơ sở thực tập

Trong khoảng thời gian thực tập, giảng viên Tổ Tin học đã cùng với một số đơn vị tuyển dụng, doanh nghiệp công nghệ thông tin thành phố Hải Phòng trao đổi thông tin khả năng thích ứng của sinh viên thực tập tại từng điểm thực tập, nhận thấy sự thiếu hụt về kiến thức mới & kinh nghiệm thực tế. Tổ Tin học đã trình Hội đồng khoa học và Đào tạo về nhu cầu sửa đổi, bổ sung chương trình đào tạo tín chỉ cho khóa 41, phù hợp với sự phát triển của ngành CNTT, đặc biệt đề xuất tăng thời lượng thực tập cơ sở, nhằm nâng cao kiến thức & năng lực của sinh viên ngành Tin học từ năm học 2013 đến nay.

Hình 4: Tìm hiểu cấu tạo và nguyên lý hoạt động, khắc phục sự cố thường gặp của máy in tại điểm thực tập Công ty TNHH Công nghệ thông tin VLC

2. Các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả chương trình thực tập của sinh viên nhà trường

Với thực trạng như trên, để đáp ứng đòi hỏi nâng cao chất lượng đào tạo, huấn luyện, gắn lý thuyết và thực hành, Tổ Tin học xin đề xuất một số giải pháp tổng thể nhằm nâng cao hiệu quả thực tập của sinh viên nhà trường.

Thứ nhất, nhà trường cần có các biện pháp nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của quá trình thực tập. Đây là khâu quan trọng trong việc nâng cao chất lượng đầu ra cho “sản phẩm đào tạo” của nhà trường. Sinh viên thực tập tốt, tìm kiếm được việc làm đúng chuyên ngành đào tạo sau khi ra trường, đồng nghĩa với chất lượng đào tạo của nhà trường đáp ứng được nhu cầu của thị trường lao động và ngược lại. Đồng thời, dựa vào kết quả thực tập của sinh viên, nhà trường có cơ sở quan trọng để điều chỉnh chương trình đào tạo phù hợp. Chỉ khi chương trình thực tập được coi trọng, được đặt đúng vị trí, được xây dựng phù hợp với sản xuất, khi đó việc phối hợp cùng các đơn vị sử dụng lao động và sinh viên để tổ chức các kỳ thực tập mới đi đến thành công.

Thứ hai, nhà trường cần có bộ phận chuyên trách tổ chức các chương trình thực tập, việc lên kế hoạch, liên hệ với các cơ quan, doanh nghiệp, tổ chức các chương trình… cần được duy trì thường xuyên.

Thứ ba, nhà trường cần có kế hoạch tổ chức hội nghị khách hàng, các doanh nghiệp phù hợp với các ngành nghề trường đào tạo để làm cầu nối cho sinh viên đi thực tập hoặc tìm kiếm việc làm sau ra trường. Mặt khác, nhà trường nên khuyến khích sinh viên “tự bơi” để chủ động trong học tập, tích luỹ các kỹ năng để có thể tự thuyết phục được các cơ quan, doanh nghiệp để có nơi thực tập tốt, nâng cao kiến thức, kinh nghiệm, kỹ năng của mình.

Thứ tư, sau khi sinh viên nhận địa điểm thực tập, bộ phận quản lý thực tập của trường, của đơn vị cần liên hệ thường xuyên với nơi tiếp nhận để tìm hiểu về tình hình thực tập của sinh viên, từ đó mới theo dõi thường xuyên tình hình thực tập, nắm bắt kịp thời chất lượng kỳ thực tập của sinh viên, đồng thời có sự can thiệp, điều chỉnh của nhà trường đối với sinh viên.

Thứ năm, nhà trường nên thường niên tổ chức lấy ý kiến phản hồi bằng nhiều hình thức như: tổ chức hội thảo, làm feedback bằng bảng hỏi, trao đổi trực tiếp v.v…của các cơ quan, doanh nghiệp để biết được những hạn chế, chưa phù hợp của chương trình đào tạo. Những ý kiến này thường rất thiết thực, giúp nhà trường hiểu được nhu cầu của thị trường lao động nhằm trang bị, bổ sung kịp thời kiến thức hữu dụng cho sinh viên.

Thứ sau, nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của thực tập đối với sinh viên. Sinh viên cần phải cố gắng để tích luỹ kiến thức, cập nhật kịp thời yêu cầu công việc với mục tiêu thu thập kỹ năng, kinh nghiệm để phục vụ công việc trong tương lai chứ không chỉ để đối phó lấy một bản nhận xét thực tập tốt.

Trên đây là một số giải pháp trên các lĩnh vực có liên quan đến nhiệm vụ thực tập trong toàn trường nói chung và tại Tổ tin học nói riêng. Với mong muốn góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, Tổ Tin học hy vọng rằng đầy là các nội dung hữu ích để các đơn vị, cá nhân có liên quan điều chỉnh quá trình triển khai thực tập tại các đơn vị tốt hơn./.

Bài viết từ Tổ Tin học - Trường Cao đẳng Hàng hải I


Bạn đã tốt nghiệp tại Cao Đẳng Hàng Hải I và hiện đang:
 Làm việc đúng chuyên ngành
 Tìm việc
 Làm việc không đúng chuyên ngành
 Chờ học tiếp
Biểu quyết Xem kết quả
OnlineOnline
TotalTotal