MỘT SỐ THÔNG TIN VỀ HỆ THỐNG HUẤN LUYỆN TRÊN BIỂN CHO SINH VIÊN NGÀNH ĐI BIỂN CỦA NHẬT BẢN

Thời gian: 12/05/2016 23:59

Tổ chức Hàng hải thế giới (IMO) vừa đưa ra chủ đề của ngày Hàng hải thế giới năm 2016 đó là "Vận tải biển - Không thể thiếu đối với thế giới". Theo tổ chức của Liên hợp quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD), khoảng 80% khối lượng thương mại toàn cầu và hơn 70% giá trị thương mại toàn cầu được chuyển bằng đường biển và thông qua các cảng trên toàn thế giới.

Tỷ lệ này thậm chí còn cao hơn tại hầu hết các nước đang phát triển. Nếu không có vận tải biển, hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa trên quy mô cần thiết để duy trì thế giới hiện đại sẽ không thể thực hiện được.Hiện có hơn 50.000 tàu buôn kinh doanh tuyến quốc tế, vận chuyển tất cả các loại hàng hóa. Các đội tàu thế giới được đăng ký tại hơn 150 quốc gia cùng hơn một triệu người đi biển với quốc tịch của hầu hết mọi quốc gia.

Với vai trò quan trọng, không thể thiếu của vận tải biển, việc đào tạo huấn luyện đội ngũ thuyền viên hiện nay đang là vấn đề quan trọng và được nhiều quốc gia quan tâm. Một trong các quốc gia có nhiều thành tựu, kinh nghiệm trong vận tải biển đó là Nhật Bản. Với mục đích tìm hiểu, chia sẻ, bài viết này hy vọng giới thiệu tới độc giả - những người quan tâm đến lĩnh vực đào tạo, huấn luyện hàng hải một chủ đề “Hệ thống huấn luyện trên biển cho sinh viên ngành đi biển của Nhật Bản”                                                                

1. Giới thiệu về học viện huấn luyện trên biểncủa Nhật Bản – National Institute of Sea Training (NIST)

Học viện NIST của Nhật Bản là học viện chuyên về đào tạo, huấn luyện trên các tàu thực tập cho tất cả thuyền viên, sinh viên ngành đi biển của tất cả trường hàng hải tại Nhật Bản. Đây là một học viện lớn thuộc quản lý của chính phủ Nhật.

Hiện nay, tại Nhật Bản có tất cả 15 trường trung học, cao đẳng và đại học đào tạo ngành đi biển, trong đó 2 trường đại học, 9 trường cao đẳng và 4 trường trung học. Mỗi năm tổng số sinh viên ngành đi biểnđược đào tạo (cả boong và máy) là 790 người (cả nam và nữ, trong đó nữ chiếm 10%).

Theo chương trình quy định của Nhật, với các sinh viên học hệ trung học, cao đẳng  phải có 09 tháng thực tập tại trên tàu thực tập, với các sinh viên hệ đại học phải có 12 tháng thực tập trên các tàu thực tập.

Học viện NIST có tất cả 5 tàu thực tập, 2 tàu thuyền buồm và 3 tàu động cơ diesel.Tuyến hoạt động chủ yếu xung quanh vùng biển Nhật Bản và thỉnh thoảng chạy sang Mỹ và các quốc gia Châu Á khác. Bao gồm các tàu sau:

1. NIPPON MARU

2. KAIWO MARU

3. TAISEI MARU

4. SEIUN MARU

5. GINGA MARU

Giới thiệu tàu thực tập M/V GINGA MARU

Đây là tàu thực tập lớn, mới và hiện đại nhất hiện nay tại Nhật

Thông số kỹ thuật

Dung tích tàu - Gross Tonnage       6100 tons

Chiều dài toàn bộ - LOA                  116.5 m

Chiều rộng lớn nhất – Breadth        18.0m

Mớn nước thiết kế - Moudle Draft     6.4m

Chiều cao mạn - Depth                    13.0m

Công suất máy - Diesel Eng             9000 PS/ 8000Kw

Tốc độ tối đa - Speed                       18.0 knot

Loại chân vịt                                     Biến bước, chân vịt mũi - CPP, bowthruster

Ngày hạ thủy tại Nhật                      13/12/2003

Tống số sinh viên - Cadets                180 pers

Tổng số thuyền viên - Crew              50 pers

2.Công tác huấn luyện và đào tạo sinh viên trên tàu thực tập tại Nhật Bản

2.1. Kế hoạch phân bổ thời gian đào tạo trên tàu thực tập cho sinh viên

Tùy theo hệ đào tạo mà thời gian được thực tập thực tế trên tàu sẽ khác nhau.

Với các sinh viên hệ đại học, tổng thời gian đào tạo kéo dài 4,5 năm, trong đó phải có 12 tháng thực tập thực tế trên tàu. Sau khi tốt nghiệp, sinh viên được cấp giấy chứng nhận khả năng chuyên môn cấp độ 3 (tương đương Sỹ quan vận hành hạng không hạn chế). Kế hoạch khóa học như sau:

Năm học

Thời gian đào tạo (tháng)

Vị trí đào tạo

Ghi chú

Năm học 01

(12 tháng)

04

Trường đại học

 

01

Tàu thực tập

07

Trường đại học

Năm học 02

(12 tháng)

06

Trường đại học

 

01

Tàu thực tập

05

Trường đại học

Năm học 03

(12 tháng)

04

Trường đại học

 

01

Tàu thực tập

07

Trường đại học

Năm học 04

(12 tháng)

09

Trường đại học

 

03

Tàu thực tập

Năm học 05

(06 tháng)

06

Tàu thực tập

 

Với sinh viên hệ cao đẳng, tổng thời gian đào tạo là 02 năm, trong đó phải có 09 tháng thực tập trên tàu. Sau khi tốt nghiệp, sinh viên được cấp GCN khả năng chuyên môn cấp độ 4 (tương đương Thủy thủ/ thợ máy). Sinh viên muốn lấy GCN chuyên môn Sỹ quan vận hành phải trở về trường Cao đẳng học thêm 02 năm nữa.

Thời gian đào tạo (tháng)

Vị trí đào tạo

Ghi chú

09

Trường cao đẳng

 

09

Tàu thực tập

 

06

Trường cao đẳng

 

Với học sinh học tại các trường trung học hàng hải, đây là hệ đào tạo đặc biệt, học sinh tốt nghiệp cấp 2 (15 tuổi), vào học tại các trường trung học hàng hải 03 năm, sau đó có 09 tháng thực tập trên tàu. Sau khi tốt nghiệp, học sinh được cấp GCN khả năng chuyên môn cấp độ 4 (tương đương Thủy thủ/ thợ máy). Học sinh muốn lấy GCN chuyên môn Sỹ quan vận hành phải trở về trường Cao đẳng học thêm 02 năm nữa.

Thời gian đào tạo (tháng)

Vị trí đào tạo

Ghi chú

12

Trường trung học

 

12

Trường trung học

 

12

Trường trung học

 

09

Tàu thực tập

 

 

2.2. Nội dung huấn luyện trên tàu thực tập

Sinh viên khi xuống tàu thực tập, sẽ được đào tạo và huấn luyện chu đáo dưới sự hướng dẫn của đội ngũ thuyền viên kinh nghiệm và các giáo sư chuyên môn trên tàu. Có một kế hoạch đào tạo cụ thể được lập và kiểm định đảm bảo công tác huấn trên tàu đạt hiệu quả cao nhất, tuân thủ theo tiêu chuẩn quốc tế STCW 78/2010.

Mục đích của công tác huấn luyện trên tàu thực tập nhằm giúp sinh viên sẽ được huấn luyện, đào tạo để đạt được các kỹ năng công việc thực tế bằng cách trực tiếp thực hành trên các thiết bị thật có trên tàu, tham gia vào các công việc thực tế diễn ra trên tàu đáp ứng các yêu cẩu theo tiêu chuẩn của  (như điều động tàu; bảo quản, bảo dưỡng các thiết bị; vận hành, khai thác các thiết bị; thực tập các tình huống khẩn cấp...). Ngoài ra sinh viên còn được huấn luyện tại các mô phỏng lắp đặt trực tiếp trên tàu, tham gia các bài giảng của các giáo viên, kiểm tra, viết báo cáo.

Đây là khâu được coi trọng nhất trong công tác đào tạo sinh viên ngành đi biển tại Nhật.

Mỗi sinh viên được cấp một quyển Traing Book để theo dõi và đánh giá những công việc đã đạt được khi lên tàu thực tập.

Công tác huấn luyện trên tàu diễn ra cụ thể như sau:

Thời gian biểu hàng ngày (khi tàu chạy hay tàu neo đậu, nằm cảng):

06.00 LT: Tập trung, tập thể dục, phổ biến kế hoạch, dọn vệ sinh tàu

07.00 LT: Ăn sáng

08.00 LT: Tập trung, bắt đầu giờ huấn luyện buổi sáng

11.30 LT: Kết thúc giờ học buổi sáng, ăn trưa, nghỉ trưa

13.00 LT: Tập trung, bắt đầu giờ huấn luyện buổi chiều

17.00 LT: Kết thúc giờ huấn luyện buổi chiều, ăn tối

19.00 LT: Dọn vệ sinh chung

20.00 LT: Kết thúc thời gian biểu một ngày, nghỉ ngơi.

- Sinh viên tập trung, tập thể dụcmỗi buổi sáng (on muster station and do morning excersice)

- Sinh viên tham giatrực tiếp vào công tác điều động tàu cập cầu/rời cầu trên buồng lái (manuevering on bridge)

- Sinh viên tham giatrực tiếp công tác làm dây cập và rời cầu (berthing/ unberthing) dưới sự hướng dẫn của thuyển viên trên tàu

- Sinh viên tham gia công tác neo tàu (anchoring)

\- Sinh viên được đào tạo tại các phòng học trên tàu(lessons in lecture room), được giảng dạy các vấn đề liên quan đến an toàn, an ninh, khí tượng, ổn định tàu...

- Sinh viên tham gia công tác thực tập các tình huống khẩn cấp trên tàu (training drills onboard)

- Sinh viên tham gia vào công tác bảo dưỡng các thiết bị cứu sinh, cứu hỏa.

- Sinh viên được huấn luyện tại phòng mô phỏng điều động trên tàu (ship handling simulator), giúp sinh viên rèn luyện kỹ năng lái tàu, tránh va và thông thuộc với một số luồng và cảng tại Nhật Bản.

- Sinh viên được hướng dẫn sử dụng thiết bị thông tin liên lạc trên tàu.

- Sinh viên tham gia công tác chuẩn bị máy trước khi điều động (standby main engine)

- Và còn rất nhiều các hoạt động thực tế khác...

2.3. Đánh giá chung công tác huấn luyện cho sinh viên trên tàu thực tập tại Nhật Bản

Các tàu thực tập của Nhật đều là các tàu lớn, hiện đại, đầy đủ các trang thiết bị đảm bảo công tác huấn luyện đạt hiệu quả cao.

Sinh viên tại Nhật có thời gian thực tập trên tàu được bố trí cho các hệ đào tạo như trên, được hướng dẫn tham gia trực tiếp vào các hoạt động thực tế của tàu, giúp sinh viên nhanh chóng nắm bắt được công việc thực tế, đồng thời được sự hướng dẫn chu đáo của đội ngũ thuyền viên. Do vậy sau khi ra trường sinh viên có đầy đủ hiến thức và kỹ năng thực tế, đáp ứng ngay yêu cầu của công việc cũng như đáp ứng đầy đủ các yêu cầu của công ước STCW78/2010.

Ngoài kiến thức, sinh viên còn được rèn luyện về tính kỷ luật, ý thức trong sinh hoạt, công việc.

Công tác huấn luyện trên tàu có một ý nghĩa quan trọng, giúp các sinh viên ngành đi biển của Nhật hoàn thiện đầy đủ kiến thức và kỹ năng làm việc, và ngay sau khi ra trường có thể đảm đương được ngay các chức trách và nhiệm vụ được giao.

3. So sánh với hệ thống huấn luyện tại Việt Nam và đề xuất

3.1. So sánh với hệ thống huấn luyện tại Việt Nam

Khi đưa ra so sánh, hệ thống huấn luyện và đào tạo sinh viên ngành đi biển tại các trường đại học và cao đẳng tại Việt Nam hiện nay còn thiếu, chủ yếu các cơ sở đào tạo còn thiên về đào tạo lý thuyết, thiếu về thực hành, huấn luyện do cơ sở vật chất đào tạo còn thiếu và không được đầu tư đầy đủ, cập nhật kịp thời. Chúng ta không có các tàu thực tập đủ lớn và kinh phí không đủ để bố trí cho tất cả các sinh viên được thực tập dài ngày trên biển, các sinh viên không được tham gia đầy đủ vào các công việc thực tế trên tàu. Do vậy, sinh viên ngành đi biển khi ra trường còn yếu về kỹ năng làm việc thực tế, không thể đảm đương ngay được công việc thực tế trên tàu.

3.2. Đề xuất

Để sinh viên ngành đi biển Việt Nam có đầy đủ kiến thức và kỹ năng làm việc sau khi ra trường giống như các sinh viên ngànhđi biển của Nhật Bản, chúng ta cần phải nghiên cứu các chương trình huấn luyện, đào tạo thuyển viên của Nhật, phân tích tính khả thi khi thực hiện đổi mới chương trình theo hướng thực hành dựa trên điều kiện hiện có của các cơ sở đào tạo. Nhà nước và các bộ liên quan cần có sự nghiên cứu, quan tâm và đầu tư hơn vào cơ sở vật chất tại các trường, để có đầy đủ các trang thiết bị, các tàu thực tập hiện đại đáp ứng nhu cầu đào tạo trong thời đại mới.

Những hình ảnh và thông tin trong bài viết được cung cấp bởi chính tác giả sau quá trình được huấn luyện trực tiếp trên tàu huấn luyện Ginga Maru của Nhật.

Tài liệu tham khảo

Maritime education system in Japan – Prof. Fukui

Tác giả Ks. Phạm Đức Thuấn - Giảng viên khoa Điều khiển tàu biển – Trường Cao đẳng Hàng hải I

 

Lượt truy cập:
Trực tuyến: ...