Từ lâu, lịch sử đã chứng minh rằng không có sự tiến bộ và thành đạt của quốc gia nào mà lại tách rời khỏi sự phát triển trong giáo dục. Bất cứ quốc gia nào đầu tư đúng và đủ cho giáo dục thì quốc gia ấy sẽ tiến nhanh trên con đường phát triển của mình, nếu làm ngược lại sự chậm phát triển và thụt lùi là điều không thể tránh khỏi. Vì thế, bắt đầu từ Đại hội lần thứ VII (1991) Đảng ta luôn xác định “giáo dục là quốc sách hàng đầu”, “đầu tư cho giáo dục là đầu tư cho phát triển”. Tuy nhiên, hiện nay giáo dục Việt Nam vẫn còn nhiều hạn chế cần phải khắc phục. Giáo dục đào tạo chưa thực sự là quốc sách hàng đầu, chất lượng giáo dục còn chưa cao, dạy học còn nặng về lý thuyết, chất lượng dạy học chưa tương xứng với bằng cấp, học chưa đi đôi với hành. Vì vậy, một trong những nhiệm vụ đặt ra là cần phải cải cách nền giáo dục Việt Nam, trong đó học tập kinh nghiệm thực tiễn nền giáo dục tiên tiến của các quốc gia trên thế giới là một điều thiết yếu. Từ thời cụ Nguyễn Trường Tộ, cụ Phan Bội Châu, cụ Lương Văn Can… đã học hỏi mô hình giáo dục tiến tiến của Nhật Bản thời Minh Trị Duy tân mà cụ thể là tư tưởng khai sáng của Fukuzawa Yukichi trong tác phẩm “Khuyến học” với hy vọng lấy giáo dục để phát triển đất nước. Ý thức về học tập mà các nhà duy tân khởi xướng đó là: học để làm người, học để phụng sự tổ quốc chứ không phải học để ra làm quan; học phải là thực học chứ không phải nhai lại sách thánh hiền như học vẹt; học phải ứng dụng để cải tạo xã hội… Bởi lẽ, cũng bằng con đường này, Nhật Bản đã cất cánh và nhanh chóng vươn lên trở thành quốc gia hùng mạnh ở Châu Á chỉ trong vòng chưa đầy một thập kỷ. Cho đến nay, những tư tưởng của Fukuzawa Yukichi về giáo dục mặc dù xuất hiện đã hơn 100 năm nhưng nó vẫn gợi mở nhiều nội dung hữu ích, vẫn có giá trị đối với nền giáo dục Việt Nam.
Để đổi mới và thực hiện thành công sự nghiệp CNH – HĐH đất nước, trong nhiều năm qua, Việt Nam đã và đang thực hiện quá trình cải cách giáo dục sâu rộng ở các cấp học, đặc biệt là ở bậc Đại học, Cao đẳng. Nội dung căn bản của chương trình cải cách giáo dục là xây dựng xã hội học tập dựa trên tinh thần thực học để thực hiện bốn trụ cột trong giáo dục mà UNESCO đưa ra: học để biết, học để làm, học để chung sống, học để tồn tại. Để thực hiện nhiệm vụ giáo dục ấy, Trường Cao đẳng Hàng hải I (CĐHHI) đã không ngừng đổi mới chương trình, phương pháp giảng dạy…xem giáo dục là nhiệm vụ quan trọng để xây dựng và phát triển thương hiệu của nhà trường. Nhà trường đã và đang đề ra nhiều giải pháp để thực hiện mục tiêu đổi mới giáo dục – đào tạo của nhà trường: đổi mới phương thức đào tạo từ niên chế sang đào tạo tín chỉ; tạo nhiều cơ hội hơn cho người học trong quá trình tiếp cận tri thức khi ứng dụng công nghệ thông tin vào dạy học; bên cạnh dạy lý thuyết còn rất chú trọng dạy thực hành; không chỉ dạy nghề mà còn chú trọng rèn luyện kỹ năng, thái độ làm việc… Tuy nhiên, trong thực tế, do nhiều yếu tố tác động nên tinh thần thực học trong nhà trường còn nhiều bất cập. Do đó, việc học tập những thành tựu của nền giáo dục Nhật Bản, đặc biệt là những bài học rút ra từ tư tưởng duy tân về giáo dục của Fukuzawa sẽ phần nào đó giúp chúng ta xác định được hướng đi cho quá trình giáo dục, đào tạo của nhà trường.
Trong tác phẩm “Khuyến học”, Fukuzawa Yukichi khẳng định mọi người sinh ra đều bình đẳng và nếu có khác biệt là do trình độ học vấn. Do đó, Ông phê phán lối học "từ chương" và nhấn mạnh giáo dục phải xây dựng trên nền tảng "thực học". Nền học vấn “thực học” phải gắn liền với cuộc sống hằng ngày, phải dựa trên tinh thần khoa học, tinh thần độc lập, tính thực dụng. Vậy , thế nào là “thực học”? “thực học” là học những điều thiết thực cho cuộc sống, học phải đi đôi với hành, học là để thực hành. “thực học” phải đảm bảo hai yếu tố cơ bản đó là tính thực tế và hiệu quả trong thực tiễn cuộc sống. Thực học hiểu theo nghĩa hiện đại là “học hành theo phương pháp khoa học hiện đại”. “thực học” hoàn toàn trái với “hư học” (là một nền học vấn chuộng hình thức và hư danh – những thứ chữ nghĩa có vỏ ngoài hào nhoáng, “hàn lâm”, “bác học”, nhưng thực chất rỗng tuếch, vô bổ; là nền học vấn không gắn liền với thực tiễn cuộc sống).
Quan điểm “thực học” của Fukuzawa thể hiện rõ ở phương châm: học phải đi đôi với hành và hơn thế học là để thực hành. Muốn thực hiện phương châm ấy cần phải tìm lời giải đáp cho hai câu hỏi: Học cái gì? và Học như thế nào?
Về câu hỏi “Học cái gì?” ông đề xuất: trước hết phải học những môn thực dụng cần thiết cho cuộc sống hàng ngày. Tiếp đến là học các môn khoa học tự nhiên, khoa học xã hội để tăng hiệu quả thực tiễn của tri thức. Ví như học kinh tế sẽ giải đáp cho chúng ta mọi vấn đề liên quan đến việc chi tiêu trong mỗi gia đình cũng như nền tài chính của mỗi quốc gia; học môn đạo đức giúp chúng ta hiểu về hành vi, hành động của bản thân, hiểu cách cư xử, cách giao tiếp, cách sinh hoạt giữa người với người…
Còn “Học như thế nào?” ông nói: khi học phải nắm bắt được nội dung chủ yếu của môn học, trên cơ sở đó mà hiểu được bản chất cơ bản của sự vật.
Từ thực tế dạy học ở trường và thông qua phiếu điều tra, lấy ý kiến của 60 sinh viên khoa Kinh tế - Kế toán khóa 42 và 58 sinh viên khoa Điều khiển tàu biển khóa 41, nhìn chung tinh thần, thái độ học tập của đa số sinh viên là nghiêm túc. Tuy nhiên, cũng có một số ít còn có tư tưởng: học chỉ để đối phó, cốt lấy điểm, học cho qua, thậm chí cả sinh viên học khá cũng sẵn sang quay cóp trong kiểm tra, thi cử nhất là đối với các môn học khó nhớ, lại có nhiều giờ học (các môn kinh tế, các môn cơ bản…). Khi được hỏi, có : 47.4% sinh viên thích giáo viên giảng cho mình nghe hơn là chủ động hỏi, nêu thắc mắc; 50% cho rằng mình học chủ yếu từ vở ghi, giáo trình và ít có thời gian tìm kiếm từ các kênh thông tin khác; 25.4% sinh viên không thật sự tin vào các năng lực, khả năng học của mình; 31.4% cho rằng mình không có năng lực tự học; 53.4% sinh viên cho rằng mình không có năng lực tự nghiên cứu…Từ đó cho thấy, chương trình giáo dục, đào tạo của chúng ta chưa mang lại hiệu quả thiết thực. Chúng ta đang nặng về lý thuyết, chưa coi trọng đúng mức vai trò của thực hành, trong khi trường của chúng ta là trường thực hành nhưng lại chưa nêu cao tính “thực học”. Là trường cao đẳng nhưng tỷ lệ sinh viên nghiên cứu khoa học là rất ít, mỗi năm các khoa chỉ có một vài sinh viên có công trình nghiên cứu khoa học. Điều đó có nghĩa là chúng ta chưa vận dụng có hiệu quả lý luận vào thực tiễn cuộc sống. Vì giáo dục “thực học” theo Fukuzawa là đi từ quan sát, nhận thức sự vật và suy xét nguyên lý vận động của sự vật để rồi hình thành quan điểm nhận thức của mình về sự vật, hiện tượng đó. Từ đó, tự bản thân xuất hiện những khả năng phán đoán sẽ ứng dụng tri thức vào lĩnh vực nào của thực tế để mang lại hiệu quả cao. Vậy, những yếu tố nào ảnh hưởng đến tính “thực học” của sinh viên trong nhà trường? Khi được hỏi: những yếu tố nào sau đây ảnh hưởng đến tinh thần “thực học” của 100 sinh viên trường Cao đẳng Hàng hải I, kết quả thu được như sau:
Chương trình đào tạo trong nhà trường là yếu tố ảnh hưởng lớn nhất, có đến 30,5% sinh viên lựa chọn nội dung này. Bên cạnh đó, điểm tuyển sinh đầu vào cũng như ý thức học tập của sinh viên cũng là yếu tố ảnh hưởng không kém (chiếm 28,1%). Nếu như 16,9% cho rằng phương pháp học tập của sinh viên ảnh hưởng đến tính “thực học”, thì chỉ 12.7% sinh viên cho đó là phương pháp giảng dạy của giáo viên. Chứng tỏ rằng, cách học của sinh viên (đặc biệt là tự học) có ảnh hưởng rất lớn đến hiệu quả và chất lượng đào tạo trong nhà trường và chỉ có 7,6% cho rằng vì lý do cơ sở vật chất và 4,2% là do các yếu tố khác.
Từ thực tế dạy và học ở trường CĐHHI và những tư tưởng khai sáng của Fukuzawa trong tác phẩm “Khuyến học”, tôi mạnh dạn đề xuất một số giải pháp nhằm nâng cao tinh thần “thực học” cho sinh viên trường CĐHHI.
Thứ nhất là: Đổi mới quan điểm và phương pháp dạy học của giảng viên.
Đổi mới phương pháp dạy học không đòi hỏi chúng ta phải tìm ra một phương pháp nào hoàn toàn mới mẻ, đặc thù mà chính là việc chúng ta nghiên cứu các phương pháp sẵn có trên nền tảng phương châm giáo dục lấy người học làm trung tâm để lựa chọn cách thức giảng dạy phù hợp nhất. Việc đổi mới cần gắn với khai thác, sử dụng thiết bị giáo dục trên cơ sở bám sát nội dung giáo trình, yêu cầu bộ môn về chuẩn kiến thức, kỹ năng.
Đổi mới phương pháp dạy học phải đổi mới từ khâu soạn giảng, quá trình lên lớp đến kiểm tra, đánh giá. Bài soạn thực sự là bản thiết kế để giảng viên thực hiện trong giờ dạy, đồng thời tăng cường việc sử dụng phối hợp các phương pháp dạy học, các kỹ thuật dạy học. Gắn nội dung dạy học với các tình huống thực tiễn cũng như giải quyết các chủ đề phức hợp của thực tiễn. Kết hợp chặt chẽ giữa dạy học lý thuyết và thực hành đảm bảo cân đối giữa việc truyền thụ kiến thức và rèn luyện kỹ năng cho sinh viên. Tăng cường giảng dạy theo những tình huống có vấn đề, buộc sinh viên phải động não tìm ra phương án để giải quyết các tình huống đó. Quan tâm hướng dẫn sinh viên nghiên cứu tự học và chú ý kiểm tra sự chuẩn bị của sinh viên. Giảng viên thực sự chỉ là người hướng dẫn để sinh viên tư duy, học tập.
Tăng cường hoạt động đối thoại, hỏi đáp giữa giảng viên và sinh viên trong giảng dạy nhằm khơi dậy tư duy nghiên cứu, tìm tòi và khả năng tự học của sinh viên.
Thứ hai là: Thay đổi cách nghĩ và phương pháp học tập của sinh viên
Phương pháp học của sinh viên sẽ thay đổi khi họ nhận ra rằng nếu không thay đổi họ không thể thi qua được môn học đó, nếu không thay đổi họ sẽ không thể trả hết số tín chỉ họ đã đăng ký, nếu cứ tiếp tục duy trì cách học theo kiểu đối phó thì cho dù có trong tay tấm bằng cử nhân nhưng họ sẽ phải trả giá. Để thay đổi phương pháp học tập của sinh viên, vai trò của người thầy rất quan trọng. Nhiệm vụ chính của giảng viên không chỉ là truyền đạt kiến thức mà là định hướng và tổ chức cho sinh viên tự tìm kiến thức và trí tuệ cho bản thân. Giảng viên giao nhiệm vụ tự học cho sinh viên (bài về nhà) và kiểm tra, đánh giá. Sinh viên phải tự học, tự nghiên cứu là chính với sự tư vấn của cố vấn học tập và sự định hướng của từng giảng viên các môn học.
Thứ ba là: Nâng cao năng lực nghiên cứu khoa học cho sinh viên.
Nghiên cứu khoa học (NCKH) trong sinh viên là hoạt động trí tuệ góp phần biến quá trình đào tạo thành quá trình tự đào tạo. Bằng nhiều con đường, NCKH sẽ tạo ra những bước đi ban đầu để sinh viên tiếp cận với những tri thức mới. Thông qua đó, nhằm rèn luyện cho sinh viên khả năng tư duy sáng tạo, từng bước trau dồi phương pháp luận NCKH, gắn lý luận với thực tiễn. Để đạt được hiệu quả của các hoạt động này cần phải thực hiện các yêu cầu:
+ Tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho sinh viên về vai trò của hoạt động NCKH. Kích thích được sự say mê NCKH ở sinh viên.
+ Tổ chức các buổi giao lưu để trao đổi về phương pháp, kinh nghiệm NCKH cho sinh viên.
+ Định hướng đề tài NCKH và phân công giảng viên hướng dẫn NCKH cho sinh viên.
+ Tổ chức cho sinh viên báo cáo, thuyết minh đề tài để nhận xét, góp ý, đánh giá tính khả thi và hoàn chỉnh tên đề tài nghiên cứu.
+ Thực hiện các chế độ, chính sách khuyến khích sinh viên NCKH và giảng viên hướng dẫn.
+ Chủ động tìm kiếm, ấp ủ ý tưởng khoa học, tên đề tài mà mình tâm đắc.
+ Liên hệ với Khoa, Tổ môn và giáo viên hướng dẫn để được giúp đỡ, định hướng.
+ Xây dựng kế hoạch và đề cương nghiên cứu.
+ Thực hiện tốt kế hoạch NCKH (liên hệ với giáo viên hướng dẫn đề được tư vấn, hỗ trợ về nội dung cũng như cách thức NCKH).
+ Bảo vệ đề tài NCKH trước hội đồng khoa học nhà trường.
Tóm lại, xu hướng chung của thế giới hiện nay là chuyển từ dạy học tập trung vào mục tiêu, nội dung chương trình sang tập trung vào việc tổ chức quá trình dạy và học nhằm hình thành năng lực cho học sinh. Khi chương trình được xây dựng theo cách tiếp cận hình thành năng lực, thì người ta không quá xem trọng các tri thức nữa mà xem trọng phương pháp, hình thức tổ chức dạy và học. Vì vậy, vận dụng tư tưởng giáo dục của Fukuzawa trong tác phẩm “Khuyến học” vào giảng dạy ở trường cao đẳng Hàng hải I sẽ mở ra cho chúng ta một hướng đi tuy không mới nhưng thực sự hiệu quả nếu được thực hiện.
(Th.s Đào Thị Thuận giảng viên Khoa Cơ bản - Trường Cao đẳng Hàng hải I)