“Cơ hội vàng” của thuyền viên Việt Nam trong mùa dịch

Thời gian: 23/01/2021 23:59

Các thuyền viên Việt Nam đang đứng trước “cơ hội vàng” được làm việc trên tàu nước ngoài với mức lương tăng từ 35 - 40%.

Giữa lúc đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, thuyền viên Việt Nam đang đón nhận cơ hội đi biển lớn với mức lương hấp dẫn

Các thuyền viên Việt Nam đang đứng trước “cơ hội vàng” được làm việc trên tàu nước ngoài như: Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore, Hồng Kông, Đài Loan… với mức lương tăng từ 35 - 40%. Tuy nhiên, việc này cũng khiến các chủ tàu Việt “ngồi trên lửa” vì không đủ tài chính để giữ chân thuyền viên.

Đổ xô học chứng chỉ thuyền viên

Ông Võ Hồng Khánh, Công ty CP Đầu tư vận tải biển Tân Đại Dương lý giải, dịch Covid-19 đã khiến các doanh nghiệp cung ứng thuyền viên tại nhiều nước trong khu vực châu Á như Philippines, Malaysia, Ấn Độ… không thể đưa thuyền viên sang nước ngoài thay thế các thuyền viên đã hết hạn hợp đồng. Tại Việt Nam, các công ty xuất khẩu thuyền viên đang dựa vào sự kiểm soát dịch bệnh hiệu quả trong nước để tận dụng cơ hội này.

“Nếu đầu năm 2020, mức lương của thủy thủ, thợ máy Việt Nam có kinh nghiệm chỉ 700 - 900 USD/tháng thì hiện tại, con số này đã được nâng lên 1.000 - 1.200 USD/tháng. Lương sỹ quan quản lý được nâng từ 2.700 - 3.300 USD/tháng lên 3.500 - 4.500 USD/tháng. Lương thủy thủ vận hành từ 1.300 - 1.600 USD lên 1.600 - 2.200 USD/tháng. Đặc biệt, thuyền viên có khả năng chuyên môn và tiếng Anh tốt đi “đánh thuê” cho khối tàu Nhật Bản, Hy Lạp hay châu Âu mức lương còn tăng lên khoảng 20 - 30% so với mức lương nói trên”, ông Khánh nói và thông tin, nhiều chủ tàu nước ngoài sẵn sàng chấp nhận mất cả chục nghìn USD chi phí để đánh tàu không về Việt Nam thay thế thuyền viên.

Đáng chú ý, theo ông Trần Hữu Vinh, Phó giám đốc Công ty CP Vận tải và Đầu tư thương mại An Thái (Ataco), đơn vị chuyên cung ứng thuyền viên cho các thị trường Trung Quốc, Đài Loan, Nhật Bản, Singapore, châu Âu… cơ hội đến với thuyền viên Việt Nam không chỉ là mức lương tăng từng ngày mà còn là sự “cởi mở” trong điều kiện tuyển dụng.

Nếu trước đây, thuyền viên phải đáp ứng khả năng ngoại ngữ, có trình độ cao đẳng/đại học (tùy chủ tàu), có kinh nghiệm thì hiện tại, có những chủ tàu không yêu cầu trình độ tiếng Anh, số năm làm việc mà tuyển dụng một cách “xuê xoa” để đủ định biên duy trì tuyến hoạt động. Cũng theo ông Vinh, đứng trước cơ hội rộng mở ấy, nhiều lao động phổ thông thất nghiệp, không thể đi xuất khẩu lao động do dịch Covid-19 và những thuyền viên tàu cá ở khu vực miền Trung đã đổ xô đi học chứng chỉ thuyền viên hệ sơ cấp và tìm đến các đơn vị cung ứng, xuất khẩu thuyền viên để xin đi “đánh thuê”.

Một cán bộ tuyển sinh Trường Cao đẳng Hàng hải 1 cho biết, thời gian gần đây, các hệ đào tạo nghề đi biển ở cấp đại học, cao đẳng vẫn khó chiêu sinh. Song, người học chương trình sơ cấp (thủy thủ, thợ máy) có sự gia tăng đáng kể. “Tính chung năm 2020, tỷ lệ học viên hệ sơ cấp của trường tăng khoảng 35% so với năm trước đó”, cán bộ này thông tin.

Chủ tàu Việt gặp khó

Thị trường “đánh thuê” cho tàu nước ngoài trở nên sôi động cũng là lúc các chủ tàu nội địa Việt Nam “ngồi trên lửa” khi không đủ sức cạnh tranh các khoản chi trả cho thuyền viên.

Ông Vũ Đức Ngọ, Công ty TNHH Thương mại và Vận tải Vũ Gia Tam (Thái Bình) cho biết, hiện tại, doanh nghiệp này đang có 55 thuyền viên, định biên trên 5 con tàu chạy nội địa. Tuy nhiên, từ giờ đến Tết Nguyên đán, số lượng thuyền viên của công ty sẽ giảm từ 7 - 10 người do thuyền viên báo nghỉ để đi tàu nước ngoài. Để giữ chân thuyền viên, công ty đã tính đến việc tăng lương, song cũng khó có thể đáp ứng kỳ vọng của người lao động. Đơn cử, với chức danh thủy thủ, công ty đang chi trả khoảng 10 triệu đồng/tháng. Nếu tăng, con số này cũng chỉ nhích nhẹ lên 11 - 12 triệu đồng/tháng. Trong khi đó, không ít chủ tàu ngoại hiện đã trả lương cho chức danh này ở mức 1.200 USD/tháng.

Ngoài ra, nếu tăng lương, doanh nghiệp vận tải nội địa sẽ phải tăng đồng loạt cho các chức danh trên tàu. Thời điểm hiện tại, quỹ lương thuyền viên cho một tàu khoảng 150 triệu đồng/tháng. Trường hợp tăng lương sẽ lên hơn 200 triệu đồng/tháng. “Con số này sẽ trở thành gánh nặng với các chủ tàu nội địa vốn rất khó khăn”, ông Ngọ than thở.

Chung cảnh ngộ, theo ông Bùi Văn Năm, Thư ký Hiệp hội Vận tải biển Đoàn Kết - An Lư, thời gian qua, các chủ tàu vận tải biển nội địa khu vực Hải Phòng đã tăng mức lượng thủy thủ từ 8 triệu đồng/tháng lên 10 triệu đồng/tháng. Tổng chi phí cho thuyền viên một tháng của một tàu biển tải trọng 3.000 tấn tăng từ 100 triệu đồng lên 150 triệu đồng nhưng vẫn không đủ sức níu kéo nguồn nhân lực giỏi ở lại.

Trong khi đó, ông Võ Hồng Khánh, Công ty CP Đầu tư vận tải biển Tân Đại Dương cho biết, hiện ở thị trường Việt Nam, có công ty đã tăng mức lương chức danh Phó 2 lên 20 triệu đồng/tháng thay vì giữ mức 16 triệu đồng/tháng (năm 2020), thậm chí, con số này tại nhiều công ty còn lên tới 30 triệu đồng/tháng nhưng chủ tàu Việt vẫn rất khó tìm người.

Trong bối cảnh khó khăn hiện nay, ông Vũ Đức Ngọ cho biết, đơn vị này đang nghiên cứu nâng cao một số trang thiết bị bằng công nghệ như: Đầu tư hệ thống lái, tời tự động để có thể rút bớt số lượng thuyền viên trên tàu xuống mức tối thiểu và tăng lương cho thuyền viên.

Tính toán là vậy, song, giải pháp này sẽ gây áp lực cho thuyền viên. Ví dụ, trong quá trình điều khiển tàu sẽ không còn cảnh giới. Tàu sẽ được lập trình lái tự động, sỹ quan đóng vai trò cảnh giới, nếu phát hiện tàu/vật thể thì chuyển sang chế độ lái thủ công để tránh đâm va. Công tác này đòi hỏi người có kinh nghiệm xử lý và có sự tập trung cao độ.

Trước tình cảnh hiện nay, ông Hoàng Hồng Giang - Phó Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam cho rằng, cách duy nhất để chủ tàu Việt Nam giữ chân được người có năng lực là buộc phải tăng lương, không nợ lương và đảm bảo các chế độ đãi ngộ một cách tốt nhất cho thuyền viên./.

Hồng Khánh/ Báo Giao thông

 

Lượt truy cập:
Trực tuyến: ...