Phát triển năng lực nghiên cứu khoa học mà trọng tâm là nâng cao năng lực tư duy sáng tạo cho sinh viên là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu trong giáo dục hiện đại ngày nay, là một trong những giải pháp hữu hiệu để nâng cao chất lượng giáo dục đại học. Trường Đại học, cao đẳng phải là nơi đào tạo cho sinh viên có khả năng nghiên cứu khoa học và ứng dụng khoa học kỹ thuật trong công tác và cuộc sống góp phần đẩy mạnh sự phát triển của đất nước và xã hội. Hoạt động nghiên cứu khoa học trong sinh viên có ý nghĩa vô cùng to lớn, giúp sinh viên tạo cho mình khả năng làm việc độc lập, thói quen nghiên cứu tìm tòi, sáng tạo trong quá trình học tập và công tác sau này. Nghiên cứu khoa học thực sự trở thành nguồn động, gây dựng những ước mơ, hoài bão để sinh viên trở thành những cán bộ khoa học tương lai.
Nội dung của bài nghiên cứu:
- Cung cấp một bức tranh tổng quát về chất lượng đầu ra của sinh viên Khoa Kinh tế Trường Cao đẳng Hàng hải 1 thông qua tỷ lệ tốt nghiệp, tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp khá giỏi…;
- Phân tích ảnh hưởng của các nhân tố tác động đến chất lượng đầu ra như: điều kiện học tập (cơ sở vật chất, đội ngũ giảng viên, môi trường học tập...), cũng như ý thức học tập của sinh viên từ đó tạo ra luồng thông tin phản hồi cho giảng viên đang giảng dạy và sinh viên đang học tại trường;
- Đề xuất một số giải pháp, kiến nghị nâng cao chất lượng giảng dạy, học tập của sinh viên tại Trường Cao đẳng Hàng hải I.
Phương pháp nghiên cứu:
Để giải quyết những nhiệm vụ đặt ra, đề tài sử dụng phương pháp luận nghiên cứu khoa học duy vật biện chứng và duy vật lịch sử của chủ nghĩa Mác-Lênin, đồng thời sử dụng một số phương pháp nghiên cứu cụ thể và phổ biến trong nghiên cứu khoa học như: phương pháp phân tích, đánh giá; phương pháp tổng hợp; phương pháp thống kê số liệu, phương pháp điều tra xã hội học.
Kết quả nghiên cứu:
Đề tài đã khái quát được số lượng sinh viên tốt nghiệp loại khá, giỏi, trung bình từ khóa 36 đến khóa 39, thực trạng đầu ra của sinh sau tốt nghiệp có làm đúng ngành nghề đào tạo hay không, phân tích các nguyên nhân chủ quan và khách quan: chênh lệch về giới tính, lòng yêu nghề, tỷ lệ học lại thi lại, học chưa đi đôi với hành, thiếu kỹ năng mềm, ý thức và chủ động của sinh viên trong học tập, các giải pháp khắc phục tập trung về phía nhà trường, giảng viên và sinh viên.
Về phía nhà trường:
- Nâng cao cơ sở vật chất. trang thiết bị, cải thiện môi trường học tập cho sinh viên;
- Có quy định bắt buộc giảng viên phải đi thực tế tại các doanh nghiệp để nâng cao kiến thức chuyên môn;
- Tổ chức các buổi nói chuyện chuyên đề giữa kế toán viên giỏi, kế toán trưởng với giảng viên và sinh viên để khởi tạo niềm đam mê với nghề nghiệp cho sinh viên;
- Kết hợp với Đoàn thanh niên cộng sản HCM tổ chức các câu lạc bộ để sinh viên nâng cao kỹ năng mềm;
- Giới thiệu những doanh nghiệp tốt cho sinh viên thực tập, liên hệ bố trí đội ngũ cán bộ hướng dẫn thực tập nhiệt tình có kinh nghiệm tại các doanh nghiệp gửi sinh viên đi thực tập;
- Tổ chức các buổi tư vấn việc làm, liên kết với các doanh nghiệp để tìm đầu ra cho sinh viên sau tốt nghiệp.
Về phía giảng viên:
- Áp dụng phương pháp dạy mới theo phương thức học đi đôi với hành;
- So sánh lý thuyết và thực tế chuyên môn đang áp dụng tại các doanh nghiệp vào bài giảng để sinh viên say mê học tập và không bỡ ngỡ khi ra trường;
Về phía sinh viên:
- Xác định nhu cầu xã hội về ngành nghề để chọn nghề phù hợp;
- Xây dựng niềm tin vào ngành học mà mình đã theo đuổi;
- Nâng cao tính chủ động trong việc tìm tòi và tiếp cận kiến thức bằng cách tự học;
- Cần có ý thức học tập tốt, coi việc học là trách nhiệm và nghĩa vụ của bản thân để hướng tới một tương lai có một công việc tốt sau khi ra trường.
Tác giả sinh viên Bùi Văn Hưng và Đặng Thị Ngọc - Lớp 40CĐKT2 – Khoa Kinh tế - Trường Cao Đẳng Hàng Hải I, dưới sự hướng dẫn của Ths. Trần Thu Thuỷ - Giảng viên và Ths. Đỗ Thị Đào Hạnh – Trưởng khoa Kinh tế