Giáo dục nghề nghiệp: Con đường dẫn đến thành công

Thời gian: 11/08/2020 23:59

Gần 900 nghìn thí sinh trên cả nước vừa kết thúc kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia và chính thức tham gia vào kỳ tuyển sinh đại học, cao đẳng, trung cấp, sơ cấp nghề. Từ đây, ngưỡng cửa cuộc đời sẽ mở ra trước mắt các em thông qua việc lựa chọn nghề nghiệp để học. Học sinh phải hiểu mình, hiểu nghề khi lựa chọn con đường tiếp theo, và giáo dục nghề nghiệp chính là một con đường dẫn đến thành công cho giới trẻ.

Kết quả điều tra của Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ LĐ-TB&XH) cho thấy, năm 2021, tổng số lao động qua đào tạo nghề trọng điểm có nhu cầu tuyển mới khoảng 815 nghìn người và năm 2022 là khoảng 817 nghìn người. Trong đó, nhu cầu tuyển mới lao động có trình độ cao đẳng là cao nhất, tiếp đến là trình độ trung cấp và sơ cấp.  Đây chính là cơ hội để các thí sinh vừa thi tốt nghiệp THPT quốc gia lựa chọn đón đầu học nghề để có việc làm, ổn định cuộc sống và có cơ hội khởi nghiệp, sáng tạo.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và lãnh đạo Bộ Lao động thương Binh và Xã hội tham quan gian hàng triển lãm công nghệ giáo dục nghề nghiệp diễn ra cuối năm 2019.

Thành công từ lựa chọn phù hợp

Em Trần Thị Thuỳ Trâm luôn đạt danh hiệu sinh viên 5 tốt cấp trường và đạt giải Nhì tại “Hội thi khoa học trẻ năm học 2018-2019 với chủ đề “Khởi tạo Doanh nghiệp” bằng ý tưởng kinh doanh trà sữa.

Tốt nghiệp THPT năm 2018, em Trần Thị Thuỳ Trâm, sinh năm 1999, quê ở tỉnh Thừa Thiên Huế đã lựa chọn ngành kế toán, Trường Cao đẳng Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh để học nghề. Xác định rõ mục tiêu học là để phục vụ bản thân, nên ngoài việc học tập kiến thức chuyên môn, em còn tham gia tích cực hoạt động đoàn, hội và các hoạt động tình nguyện của nhà trường như: “Chủ nhật xanh”, “Thứ 7 tình nguyện”, vận động gây quỹ thực hiện chiến dịch tình nguyện “Yêu thương sẻ chia”, tham gia hội thảo “Phương pháp tự học” của Khoa Tài chính – Kế toán về thiết kế ý tưởng Design Thinking...

Quyết tâm từ trong ý chí đến hành động nên trong các năm học, em Thuỳ Trâm luôn đạt danh hiệu sinh viên 5 tốt cấp trường và đạt giải nhì tại “Hội thi khoa học trẻ năm học 2018-2019 với chủ đề “Khởi tạo Doanh nghiệp” bằng ý tưởng kinh doanh trà sữa.

“Các nhà tuyển dụng hiện nay cần người làm được nhiều việc trực tiếp sau khi tuyển dụng chứ không phải chỉ đơn thuần là lý thuyết rồi về phải đào tạo lại. Do vậy, em cũng mong muốn các bạn trẻ vừa tốt nghiệp THPT quốc gia sáng suốt lựa chọn một nghề để học, sau đó tìm việc làm phù hợp hoặc tham gia khởi nghiệp để vừa giảm chi phí học tập, vừa có nhiều cơ hội việc làm chứ không nhất thiết phải lựa chon học đại học”, em Trâm cho biết.

 

Năm học 2018-2019, em Nguyễn Lâm Viên tham gia Hội thi “Học sinh, sinh viên thành phố với pháp luật” và đạt giải 3 cấp thành phố.

Giống như Thuỳ Trâm, vốn là học sinh giỏi trong suốt 3 năm học THPT, sau khi tốt nghiệp, em Nguyễn Lâm Viên, sinh năm 1999, quê ở thành phố Long Khánh, tỉnh Đồng Nai cũng lựa chọn trường Cao đẳng Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh để học nghề kế toán.

Xác định rõ mục tiêu học để phục vụ cho công việc và cuộc sống trong tương lai nên em quyết tâm học tập, rèn luyện. Nhờ vậy em luôn đạt kết quả học tập xuất sắc của trường Cao đẳng Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh. Trong năm học 2018-2019, em Viên tham gia Hội thi “Học sinh, sinh viên thành phố với pháp luật” và đạt giải 3 cấp thành phố.

Về mục tiêu nghề nghiệp của mình, Viên chia sẻ: “Thực tế có rất nhiều người xung quanh em không học đại học những vẫn thành công và kiếm tiền tốt, thậm chí nhiều doanh nhân thành đạt trên thế giới cũng không học đại học. Nếu như cho em chọn lại thì em vẫn tiếp tục học nghề, bởi việc lựa chọn của em đang đi đúng hướng. Do vậy, em cũng rất mong các bạn trẻ vừa thi tốt nghiệp THPT quốc gia nên xem xét, lựa chọn một số nghề vừa dễ kiếm việc làm, vừa có nhiều cơ hội khởi nghiệp để học chứ không nhất thiết phải học đại học”.

Rộng mở con đường lập nghiệp

Ở Việt Nam số lượng người trẻ lựa chọn con đường lập nghiệp như hai em Thuỳ Trâm và Lâm Viên chưa nhiều. Đặc biệt, nhiều phụ huynh mong muốn con mình phải học đại học sau đó mới tìm việc làm. Thực tế này đã dẫn đến thực trạng "thừa thầy, thiếu thợ" trong suốt nhiều năm qua, đồng thời kéo theo tỷ lệ cử nhân ra trường không tìm được việc làm rất cao.

Theo nhận định của các chuyên gia lao động, Việt Nam đang trong thời kỳ dân số vàng với 96,2 triệu người, trong đó 56 triệu người tham gia lao động, tạo ra nhu cầu học rất lớn, trong đó có giáo dục nghề nghiệp (GDNN). Đặc biệt, trong những năm trở lại đây, nhiều doanh nghiệp có xu hướng chuyển dịch từ tuyển dụng nguồn nhân lực có bằng đại học sang tuyển lao động có chuyên môn, năng lực nghề nghiệp làm việc nhiều hơn bằng cấp. 

Đáng chú ý, thời gian qua có rất nhiều doanh nghiệp liên kết chặt chẽ với các trung tâm dạy nghề để tuyển dụng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu làm việc thực tiễn, đồng thời đây cũng là cách để đảm bảo đầu ra cho học viên.

Có thể kể đến một số doanh nghiệp chủ động liên kết và tiếp nhận lao động học nghề vào làm việc thông qua các hiệp hội, doanh nghiệp như: Hiệp hội GDNN và Nghề Công tác xã hội Việt Nam, Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, Hiệp hội du lịch Việt Nam, Hiệp hội bán lẻ Việt Nam, Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ Tp. Hồ Chí Minh, Hội doanh nhân trẻ Việt Nam, Hiệp hội doanh nghiệp Logistics Việt Nam; Tập đoàn Mường Thanh, Tập đoàn BIM,...

Bà Trần Minh Huyền, Vụ trưởng Vụ Công tác học sinh sinh viên, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ LĐ-TB&XH) cho biết: “Trong bối cảnh công nghiệp 4.0 phát triển nhanh chóng hiện nay, đào tạo nghề được phát triển mạnh cả về quy mô và chất lượng nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển bền vững. Trước sự chuyển dịch đó, học sinh, sinh viên trong các trường nghề ngày càng có lợi thế hơn về tay nghề cao, nhanh nhạy với công nghệ để biến đam mê, ý tưởng thành hiện thực”.

Theo đó, các ngành nghề trọng tâm cần được đào tạo trong giai đoạn từ nay đến năm 2025 bao gồm: công nghệ, kỹ thuật, nông nghiệp, công nghiệp. Đặc biệt là những ngành, nghề phục vụ trực tiếp của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và 8 nhóm lĩnh vực ngành, nghề được tự do di chuyển gồm: nha khoa, điều dưỡng, kỹ thuật, xây dựng, kế toán, kiến trúc, khảo sát và du lịch...

Đáp ứng nhu cầu thực tế của doanh nghiệp

Có thể thấy, GDNN đang là xu thế tất yếu trong chiến lược phát triển nhân lực quốc gia, góp phần bảo đảm cả về số lượng và chất lượng nhân lực cho thị trường lao động. Để đáp ứng được yêu cầu của các doanh nghiệp, đơn vị tuyển dụng, việc cần thiết nhất hiện nay là phải đào tạo nghề theo nhu cầu xã hội, dạy học phải gắn với thực tiễn tại các đơn vị, doanh nghiệp.

Ông Trương Anh Dũng, Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ LĐ-TB&XH) cho biết, để công tác GDNN bắt kịp với xu thế phát triển nghề và nhu cầu của xã hội hiện nay, Bộ LĐ-TB&XH đã tích cực triển khai nâng cấp về cơ sở hạ tầng, trường lớp và nâng cao chất lượng dạy và học trong mỗi nhà trường.

Sinh viên trường Cao đẳng Y tế Hà Tĩnh đang thực hành nghề.

 

Theo đó, với 1.909 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, trong đó 399 trường cao đẳng; 458 trường trung cấp; 1.052 trung tâm giáo dục nghề nghiệp trong cả nước đã thực hiện việc quy hoạch mạng lưới trường chất lượng cao và các nghề trọng điểm quốc gia, khu vực, quốc tế theo từng cơ sở GDNN, từng vùng, địa phương và trình độ đào tạo.

Bộ LĐ-TB&XH cũng chủ động đổi mới chương trình đào tạo, chú trọng kỹ năng thực hành nghề. Xác định GDNN là “thực học, thực hành” nên Bộ luôn quan tâm đến giải pháp tăng cường kỹ năng thực hành cho người học, để sau khi tốt nghiệp có thể đáp ứng ngay yêu cầu tại nơi làm việc.

Theo đó, thời gian thực hành, thực tập thí nghiệm đối với trình độ trung cấp từ 55-75% và trình độ cao đẳng từ 50-70% thời lượng đào tạo. Nhiều cơ sở GDNN đã bố trí thời lượng học tại doanh nghiệp từ 25-40% thời lượng trong chương trình đào tạo.

Đặc biệt là việc phối hợp với các doanh nghiệp, tập đoàn lớn; chuyển nội dung hội nghị tuyển sinh hàng năm thành Hội nghị tuyển sinh, tổ chức đào tạo và tuyển dụng, việc làm. Mời doanh nghiệp tham gia vào hoạt động xây dựng chuẩn đầu ra cho 160 ngành, nghề trình độ trung cấp, cao đẳng với sự tham gia của trên 500 lượt cán bộ, kỹ sư, kỹ thuật viên, chuyên gia đến từ doanh nghiệp trong quá trình đánh giá, phân tích nghề, xây dựng và thẩm định chuẩn đầu ra. Phối hợp với các Bộ, ngành huy động doanh nghiệp theo lĩnh vực chuyên môn tham gia cập nhật, chỉnh sửa tiêu chuẩn kỹ năng nghề quốc gia.

“Bộ LĐ-TB&XH đã và đang chuẩn hoá về số lượng cũng như chất lượng về chuyên môn, nghiệp vụ của các nhà giáo. Đến nay, tỷ lệ nhà giáo phù hợp với mục tiêu GDNN là đào tạo theo hướng tiếp cận năng lực, nhà giáo dạy thực hành và tích hợp chiếm tỷ lệ 76,95% tổng số nhà giáo. Đây chính là điều kiện cần và đủ để nâng cao chất lượng GDNN, đáp ứng nhu cầu của xã hội hiện nay về tuyển dụng lao động”, ông Trương Anh Dũng nhấn mạnh.

Theo thống kê của các chuyên gia, cơ cấu lao động hiện nay chỉ cần khoảng 10% lao động có bằng cấp, 40% lao động có tay nghề chuyên môn cao, phần còn lại thuộc về tỉ lệ lao động phổ thông. Việc giới trẻ dịch chuyển qua xu hướng học nghề đã cho thấy sự thay đổi trong tư duy hướng nghiệp, đồng thời cho thấy học nghề dễ có việc làm, mang lại mức thu nhập cao và mở rộng con đường lập nghiệp hơn cho giới trẻ.

                                                                            Phạm Duy/thoibaokinhdoanh.vn

Các tin liên quan

Lượt truy cập:
Trực tuyến: ...