Hiện đại hóa giáo dục nghề nghiệp

Thời gian: 15/10/2020 15:45

Ông Trương Anh Dũng - tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Bộ LĐ-TB&XH - trao đổi với Tuổi Trẻ về đào tạo nghề nghiệp trong bối cảnh hiện nay.

 "Người học và xã hội giờ đây đã có cách nhìn thực tế hơn trong vấn đề học nghề, lập nghiệp" - ông Trương Anh Dũng nhấn mạnh.

* Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp vừa tổ chức tuyên dương học sinh, sinh viên giáo dục nghề nghiệp xuất sắc, tiêu biểu toàn quốc. Sự kiện này có ý nghĩa như thế nào, thưa ông?

Đào tạo nghiệp vụ lễ tân tại Trường trung cấp Du lịch & khách sạn Saigontourist (TP.HCM) - Ảnh: Thúy Nga

- Lễ tuyên dương 130 học sinh, sinh viên giáo dục nghề nghiệp xuất sắc, tiêu biểu toàn quốc lần đầu tiên được tổ chức ngày 9-10 với nhiều hoạt động rất ý nghĩa. Đây là sự kiện mang tính bước ngoặt quan trọng, vừa nhằm cụ thể hóa các nhiệm vụ, giải pháp trong chỉ thị 24/CT-TTg ngày 28-5-2019 của Thủ tướng Chính phủ là để tôn vinh, lan tỏa những giá trị của nhân lực có kỹ năng nghề xuất sắc tới giới trẻ và xã hội; vừa nhằm hưởng ứng Ngày kỹ năng lao động Việt Nam (4-10 hằng năm) theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ để tôn vinh và khẳng định vị thế, tầm quan trọng của người lao động có kỹ năng nhất là người lao động có tay nghề cao, kỹ năng nghề nghiệp xuất sắc.

Đặc biệt, qua nhiều vòng tuyển chọn, chương trình đã tôn vinh những tấm gương người thật việc thật, những câu chuyện được chia sẻ rộng rãi trong cộng đồng, để lại những dư âm tốt trong dư luận, làm thay đổi cách nhìn của học sinh, phụ huynh và xã hội về hệ thống giáo dục nghề nghiệp.

* Trước sức ép của bối cảnh công nghệ mới, giáo dục nghề nghiệp Việt Nam cần thực hiện những gì để thích ứng?

- Thời gian qua, Đảng và Nhà nước rất quan tâm, chỉ đạo về việc chủ động tích cực tham gia cuộc cách mạng công nghiệp, đã ban hành nhiều chủ trương chính sách về thích ứng với cuộc cách mạng 4.0 nói chung, trong đó có giáo dục nghề nghiệp thích ứng cách mạng 4.0 nói riêng nhằm tạo tiền đề, điều kiện và động lực để giáo dục nghề nghiệp phát triển theo hướng mới. 

Gần đây nhất, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành chỉ thị 24 đẩy mạnh phát triển nhân lực có kỹ năng nghề, góp phần nâng cao năng suất lao động, tăng năng lực cạnh tranh quốc gia trong tình hình mới bao gồm xu hướng tự động hóa, điện tử hóa, số hóa, tác động của cách mạng công nghiệp 4.0 và hội nhập quốc tế.

Giáo dục nghề nghiệp Việt Nam đã có bước chuẩn bị để đi theo hướng mới trong thời gian qua, nhất là trong 5 năm gần đây. Hầu hết các cơ sở giáo dục nghề nghiệp hiện đang đào tạo các ngành, nghề cấp độ quốc tế đã chuẩn bị tốt nhằm thích ứng yêu cầu của cách mạng công nghiệp 4.0. 

Đặc biệt là các cơ sở giáo dục nghề nghiệp thuộc doanh nghiệp, liên kết với nước ngoài; các trường được phê duyệt để đầu tư trở thành trường chất lượng cao, các trường tham gia đào tạo thí điểm những chương trình chuyển giao từ nước ngoài. Những cơ sở này đóng vai trò dẫn dắt trong hệ thống.

Trước nhu cầu ngày càng lớn của người học và yêu cầu ngày càng cao của thị trường lao động, một vấn đề đặt ra theo chỉ thị 24/CT-TTg là các bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục tăng cường đầu tư, hiện đại hóa giáo dục nghề nghiệp, không chỉ đổi mới về chương trình, phương pháp dạy và học, trang thiết bị hiện đại, mà cần tiếp tục hiện đại hóa hạ tầng cơ sở vật chất, điều kiện sinh hoạt, học tập của các em, nhất là các trường chất lượng cao, để các em có điều kiện yên tâm học tập tốt hơn, với kỹ năng tay nghề xuất sắc của mình sẽ đóng góp nhiều hơn cho đất nước sau khi tốt nghiệp.

* Đâu là lợi thế của những bạn trẻ khi chọn con đường giáo dục nghề nghiệp trong thời điểm hiện nay?

- Người học và xã hội giờ đây đã có cách nhìn thực tế hơn trong vấn đề học nghề, lập nghiệp. Bên cạnh đó sự rõ ràng, sòng phẳng trong cách tuyển dụng, trả lương theo vị trí việc làm của các doanh nghiệp đã cho thấy học cái gì ra không quan trọng bằng làm được gì. Học trung cấp, cao đẳng thời gian ngắn, chi phí thấp, ra trường hầu hết có việc làm ngay với mức thu nhập ổn định là câu trả lời có sức thuyết phục lớn nhất.

Theo thống kê, 85% người học giáo dục nghề nghiệp ra trường có việc làm ngay. Trên thực tế con số này còn lớn hơn, chỉ một số ít chưa muốn đi làm ngay vì có nhu cầu tiếp tục học liên thông lên trình độ cao hơn. 

Ngoài ra, môi trường học tập gắn liền với sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, vừa học vừa làm và có lương ngay trong quá trình học, ra trường thích ứng ngay được với công việc. Có lẽ môi trường và phương pháp học tập như vậy đã tạo ra một sức hút đối với người học đến với giáo dục nghề nghiệp.

Mỗi cấp học có sứ mệnh riêng

* Nhiều bạn trẻ và gia đình vẫn có tâm lý chọn đại học trước, sau đó mới đến trường nghề. Ông nói gì về quan điểm này?

- Rõ ràng, mỗi vị trí việc làm trong xã hội và mỗi cấp học trong hệ thống giáo dục quốc dân có vai trò, sứ mệnh riêng. Do vậy không thể nói giáo dục đại học là quan trọng và giá trị hơn giáo dục nghề nghiệp. Như trên tôi đã nói, việc lựa chọn điểm xuất phát bắt đầu từ đâu hoàn toàn là lựa chọn của người học, vai trò và trách nhiệm của chúng ta là định hướng cho người học có những lựa chọn đúng đắn và phù hợp với năng lực, sở trường và nhu cầu để không bị lãng phí về thời gian, tiền bạc của người học và của xã hội.

Với truyền thống Á Đông, để có thể thay đổi được quan điểm nặng nề về bằng cấp trong xã hội, bên cạnh các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, chúng ta cần phải tuyên truyền, thông tin nhiều hơn nữa đến người học, đến xã hội để nhận thấy sự bất hợp lý và lãng phí trong cơ cấu nguồn lực lao động xã hội nếu tất cả đều đổ dồn vào một con đường duy nhất là đại học.

Trọng Nhân/Tuoitre.vn

 

Lượt truy cập:
Trực tuyến: ...