Sáng 12/9, Cục Hàng hải Việt nam phối hợp cùng với Cục Đường thủy nội địa và Bộ Giao thông công chính vùng Flander (Vương quốc Bỉ) tổ chức buổi Tọa đàm lần 2 về “Đề án xây dựng kế hoạch phòng chống rủi ro trong lĩnh vực hàng hải và đường thủy nội địa”
Tham dự buổi tọa đàm có đại diện Bộ Giao thông vận tải, Cục Hàng hải Việt Nam, Cục Đường thủy nội địa, Văn phòng IMO Việt nam, Trường Đại học Hàng hải Việt Nam, Trường Cao đẳng Hàng hải I, các Trường tham gia đào tạo, huấn luyện về Hàng hải, các Cảng vụ Hàng hải và Cảng vụ đường thủy nội địa trên cả nước.
Buổi Tọa đàm là kết quả lần 2 của Dự định thư được ký kết giữa Cục Hàng hải Việt nam và Bộ Giao thông công chính vùng Flander, Vương quốc Bỉ, qua đó Bộ Giao thông công chính vùng Flander sẽ hỗ trợ Cục Hàng hải Việt Nam nghiên cứu, đánh giá rủi ro trong lĩnh vực hàng hải và đường thủy nội địa tại Việt nam. Sau một thời gian nghiên cứu, tháng 11/2013, buổi tọa đàm lần 1 đã được tổ chức để lấy ý kiến vào bản dự thảo và lần Tọa đàm này nhằm mục đích báo cáo các kết quả của các nghiên cứu sau chỉnh sửa để hoàn hiện bản Dự thảo.
Tại buổi Tọa đàm, các đại biểu tham dự được nghe 03 báo cáo, dự thảo của các đơn vị. Thứ nhất là Báo cáo về hiện trạng công tác phòng chống, ứng phó sự cố tràn dầu và đâm va trong hoạt động hàng hải, đường thủy nội địa và các hệ thống pháp luật có liên quan của đại điện Cục đường thủy nội địa. Thứ hai là Báo cáo về tình hình nghiên cứu đánh giá rủi ro của giáo sư Luc Hens, đại diện tư vấn của Bộ Giao thông công chính vùng Flander, Vương quốc Bỉ. Thứ ba là Dự thảo Kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố cho tuyến hàng hải, tuyến đường thủy nội địa của Việt nam do đại diện tư vấn của Cục Hàng hải Việt Nam trình bày.
Tham gia góp ý vào các báo cáo, các đại biểu tham dự đề xuất cần nghiên cứu đánh giá sâu hơn nữa vào các tác động của rủi ro về ô nhiễm hóa chất, rủi ro về tai nạn đâm va để từ đó có thể đưa ra được kế hoạch hoàn chỉnh hơn, đồng thời lưu ý tới nhóm 07 giải pháp mà giáo sư Luc Hens đưa ra trong nhiệm vụ nghiên cứu.
Đại điện ban nghiên cứu đã tiếp thu, ghi nhận các ý kiến đóng góp để bổ sung, chỉnh sửa, hoàn thiện và sớm công bố chính thức Đề án.