Nghề Kế toán - Cơ hội và Thách thức

Thời gian: 04/09/2015 23:59

Trong công cuộc đối mới và hội nhập quốc tế, Việt Nam cũng không thể tách khỏi xu hướng tất yếu trên. Mặt khác, trong tiến trình đàm phán gia nhập tổ chức Thương mại quốc tế (WTO), Việt Nam sẽ phải mở cửa dịch vụ kế toán, kiểm toán. Như vậy, nhiều Công ty dịch vụ Kế toán - Kiểm toán của nước ngoài được phép hoạt động tại Việt Nam, đòi hỏi Hệ thống kế toán Việt Nam không ngừng được hoàn thiện và phát triển phù hợp với nền kinh tế thị trường và xu hướng mở cửa, hội nhập kinh tế khu vực cũng như toàn cầu.


Hình ảnh chỉ mang tính minh hoạ

Nhân viên kế toán được ví là “Tay hòm chìa khóa của doanh nghiệp”, giữ một vai trò rất quan trọng trong doanh nghiệp. Là một sinh viên đang theo học ngành kế toán, bạn đã trang bị cho mình những gì để trở thành một kế toán chuyên nghiệp, đáp ứng nhu cầu của nhà tuyển dụng? Chúng ta cùng tìm hiểu qua bài viết sau:

Kế toán là gì? Trong các tài liệu, sách kinh tế, chúng ta có thể gặp những định nghĩa, nhận thức về kế toán ở những phạm vi, góc độ khác nhau về kế toán, và đứng ở mỗi góc độ tiếp cận nhất định thì mỗi định nghĩa đều có cơ sở riêng của nó.

* Dưới góc nhìn của các nhà quản lý:  Kế toán là một công cụ cung cấp các thông tin giúp họ kiểm soát và đánh giá tình hình kinh tế của đơn vị. Mỗi đơn vị, tổ chức trong xã hội đều phải có một lượng tài sản nhất định để tiến hành các hoạt động. Trong quá trình hoạt động, đơn vị thực hiện các hoạt động như: trả lương, mua hàng, bán hàng, sản xuất, vay vốn đầu tư v.v... Các hoạt động đó gọi là hoạt động kinh tế tài chính. Người quản lý của đơn vị cần thu nhận thông tin về các vấn đề nêu trên để giải quyết các câu hỏi: Sản xuất mặt hàng nào? Giá bán là bao nhiêu? Hoạt động của đơn vị có lãi hay không? Tài sản của đơn vị còn bao nhiêu? v.v...

Kế toán sẽ cung cấp cho họ những câu trả lời đó thông qua các hoạt động: Thứ nhất - Thu nhận,  ghi chép lại các hoạt động kinh tế vào các chứng từ kế toán; Thứ hai - Xử lý, hệ thống hóa các thông tin từ chứng từ kế toán vào sổ sách kế toán; Thứ ba - Cung cấp, tổng hợp số liệu để lập các báo cáo kế toán. Trên cơ sở các báo cáo kế toán mà người quản lý cũng như những người quan tâm đến hoạt động kinh tế tài chính của đơn vị (người cho vay, ngân hàng, nhà đầu tư) đề ra các quyết định đúng đắn mang lại hiệu quả cao nhất.

* Dưới góc độ của người làm kế toán (kế toán viên): Kế toán là một nghề nghiệp, mang những nét đặc thù của loại hình dịch vụ. Họ quan niệm kế toán là một nghệ thuật và là quá trình ghi chép, phản ánh, xử lý và cung cấp các thông tin kinh tế tài chính cho các đối tượng liên quan.

Tốt nghiệp ngành kế toán, bạn có thể làm việc ở đâu?

Kế toán là bộ phận không thể thiếu ở tất cả các đơn vị tổ chức. Hãy làm một phép tính nhỏ: Nếu mỗi doanh nghiệp cần tới 3 - 5 kế toán và mỗi đơn vị hành chính sự nghiệp cũng cần tới Phòng Kế toán – Tài vụ, thì với gần 500.000 doanh nghiệp, hàng vạn đơn vị hành chính sự nghiệp, gần 14.000 cơ quan quản lý ngân sách nhà nước, 63 đơn vị tỉnh, thành, hơn 600 huyện, quận và hơn 13.000 xã, phường…, mỗi năm cần hàng vạn người kế toán. Vì vậy, thị trường việc làm của nghề này là rất rộng lớn.

Ngoài doanh nghiệp (các đơn vị hoạt động vì mục đích lợi nhuận như: Công ty cổ phần, Công ty TNHH, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, ngân hàng, bảo hiểm v.v...), bạn có thể làm việc ở các đơn vị công - các đơn vị hoạt động không vì lợi nhuận như: các cơ quan hành chính sự nghiệp, trường học, bệnh viện v.v…

Xét theo đối tượng sử dụng thông tin, bạn có thể làm kế toán tài chính với mục đích cung cấp thông tin ra bên ngoài doanh nghiệp cho các cơ quan quản lý nhà nước (thuế, thống kê, kế hoạch đầu tư); cho các nhà đầu tư, ngân hàng, cổ đông v.v… hoặc làm kế toán quản trị để cung cấp các thông tin cho chính những người quản lý ở đơn vị doanh nghiệp.

Ngày làm việc của kế toán viên

Công việc của nghề kế toán yêu cầu tính cẩn thận và kỹ lưỡng, bạn có thể hình dung một ngày làm việc của họ bao gồm các công việc sau đây:

- Lập các chứng từ về hoạt động kinh tế phát sinh thường ngày tại đơn vị: Hóa đơn bán hàng, Phiếu xuất kho, Phiếu nhập kho,…

- Phân tích tình hình tài chính, ngân sách của công ty, chi phí và doanh thu.

- Thực hiện ghi và kiểm tra sổ sách kế toán.

- Quản lý tiền mặt tại đơn vị và các tài khoản ngân hàng.

- Xử lý các dữ liệu kế toán, lên các báo cáo về tình hình hoạt động của đơn vị để cung cấp thông tin cho nhà quản lý như: Báo cáo tài chính, Báo cáo lợi nhuận, Báo cáo về chi phí,….

Tuy nhiên, khối lượng công việc của mỗi kế toán viên phụ thuộc vào từng công ty, từng tổ chức và từng thời điểm khác nhau.

Rèn luyện để trở thành kế toán viên

Kế toán luôn có sức hút mạnh mẽ trên thị trường lao động. Với những người yêu thích các con số, các bảng thống kê và sự chính xác, kế toán là một lựa chọn hợp lý. Thêm vào đó, khả năng ngoại ngữ và kỹ năng sử dụng tin học thành thạo (đặc biệt về phần mềm Kế toán) là một lợi thế cho vị trí kế toán tại các công ty có quy mô lớn, công ty đa quốc gia với mức thu nhập hấp dẫn và nhiều cơ hội thăng tiến. Để  trở thành một kế toán viên chuyên nghiệp, có vài điều sau đây mà bạn nên tham khảo khi bước chân vào nghề kế toán.

            Thứ nhất, tích lũy kiến thức về các lĩnh vực

Lĩnh vực chuyên môn: Kế toán là một nghề chuyên nghiệp đòi hỏi nhiều kiến thức tổng hợp, song công việc chủ yếu là làm việc với các con số. Luật Kế toán của Việt Nam quy định, cá nhân muốn hành nghề kế toán phải có chứng chỉ hành nghề kế toán do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp. Theo đó, một kế toán viên phải có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ về kế toán. Nhưng nếu muốn trở thành một kế toán viên chuyên nghiệp, năng lực của bạn phải được chứng minh qua thời gian kinh nghiệm và những thành tích bạn đã đóng góp cho doanh nghiệp.

Lĩnh vực ngoại ngữ: Hòa cùng sự phát triển của nền kinh tế hội nhập thế giới mạnh mẽ, cũng như nhiều nghề khác, nghề kế toán đòi hỏi cần phải biết ngoại ngữ, nhất là những ngôn ngữ thông dụng như tiếng Anh. Điều này là yêu cầu bắt buộc nếu bạn làm việc ở các công ty liên doanh hoặc những công ty có quan hệ với nước ngoài. Nghề kế toán liên quan chặt chẽ tới những điều luật về kinh tế, tài chính trong nước và quốc tế. Khi đó, bạn sẽ phải tìm hiểu thật tỉ mỉ về pháp luật, hệ thống chuẩn mực của nước đối tác cũng như tự nâng cao vốn ngoại ngữ của mình trong văn bản và giao tiếp.

Lĩnh vực tin học: Trong xã hội hiện đại, khi mà công nghệ thông tin đang xâm nhập vào mọi lĩnh vực của đời sống thì các nhân viên kế toán sử dụng công cụ máy tính với các phần mềm kế toán trợ giúp để công việc kế toán bớt vất vả hơn và quan trọng hơn đó là nâng cao hiệu quả công việc đáp ứng yêu cầu về thời gian. Bạn hãy trang bị đầy đủ những kiến thức tin học văn phòng, phần mềm kế toán v.v...

       Thứ hai, rèn luyện những phẩm chất nghề nghiệp

Trung thực: Trung thực ở đây được hiểu là những thông tin phải được phản ánh đúng nội dung của hoạt động kinh tế phát sinh. Chỉ những thông tin như vậy mới giúp ích cho các nhà quản lý, các nhà đầu tư, khách hàng cũng như chính doanh nghiệp.

Khách quan: Nhân viên kế toán luôn phải tuyệt đối khách quan trước những hoạt động kinh tế trong đơn vị mình.

Chính xác:  Đây là một trong những phẩm chất cần thiết hàng đầu, quan trọng của người làm kế toán. Là nhân viên kế toán, hàng ngày, bạn phải đối mặt với vô vàn con số. Mỗi con số gắn với một nghiệp vụ khác nhau. Công việc lại đòi hỏi bạn phải chính xác trong từng ghi chép, trong từng phép tính. Chỉ cần bạn mắc phải một lỗi ở đâu đó thì sẽ kéo theo sai hệ thống, và công việc tìm kiếm lỗi sai sẽ tiêu tốn không biết bao thời gian và chi phí.

Chăm chỉ, cẩn thận:  Đức tính này nghề nào cũng cần có nhưng khi bạn là một nhân viên kế toán thì dường như yêu cầu trên được đòi hỏi nhiều hơn. Người kế toán viên nhất định phải có tính cẩn thận, ngăn nắp và khoa học bởi nghề kế toán gắn liền với các tài liệu, sổ sách, giấy tờ với những con số “biết nói” về tình hình tài chính. Do đó, một kế toán chuyên nghiệp phải luôn đảm bảo giữ gìn tài liệu cũng như làm thế nào để những con số đó luôn chuẩn nhất, dễ dàng tìm kiếm, tra cứu nhất. Và khi tổng hợp những con số khô cứng, một kế toán chuyên nghiệp càng cần phải cẩn thận vì chỉ sót nhỏ có thể gây ảnh hưởng không nhỏ đến toàn công ty…

Năng động, sáng tạo: Những công việc bạn làm hàng ngày có thể giống nhau nhưng những nghiệp vụ kinh tế phát sinh thì không vậy. Là một nhân viên kế toán chuyên nghiệp, bạn sẽ không chỉ quan tâm đến các sự kiện kinh tế, tài chính xảy ra với doanh nghiệp mình mà còn cả thông tin về đối thủ, những thay đổi của nền kinh tế, xu hướng diễn biến tương lai.

Khả năng quan sát, phân tích, tổng hợp:  Như bạn đã biết, công việc mà kế toán phải làm khá nhiều: thu thập chứng từ, ghi sổ và lên báo cáo... Những công việc này đòi hỏi khả năng quan sát để phản ứng kịp thời với những sự việc phát sinh, từ đó phân tích, tổng hợp chúng một cách hợp lý.

Có tính độc lập cao trong công việc, đồng thời phải có tinh thần tập thể:  Thông thường khi làm một nhân viên kế toán, bạn sẽ chuyên vào một lĩnh vực nhất định: kế toán tiền mặt, kế toán vật tư, kế toán chi phí giá thành v.v... Và như vậy bạn sẽ phải làm việc một mình trong lĩnh vực mà mình đảm nhiệm. Bạn sẽ là người tự giải quyết các vấn đề có liên quan đến phần việc của mình.Và đồng thời cũng cần tinh thần tập thể để có thể hoàn thành tốt công việc được giao.  

Khả năng chịu đựng áp lực công việc: Làm việc với những con số luôn đặt kế toán viên vào trạng thái căng thẳng, nhất là khi đó là một phần trọng yếu nhất trong việc làm kế toán của bạn.

Ngày ngày nhân viên kế toán đối mặt với lượng lớn các thông tin kinh tế, tài chính, phải tập trung xử lý hàng loạt các nghiệp vụ sao cho chính xác và hợp lý. Nên cũng sẽ chẳng có gì ngạc nhiên nếu trong những ngày đầu làm việc, những con số ám ảnh bạn đến mức ngay khi ngủ bạn cũng mơ thấy chúng.

Dự đoán của các chuyên gia về nghề nghiệp cho biết đến năm 2018, mức độ tăng trưởng của ngành kế toán sẽ lên đến 22%. Hiện nay, nhân sự làm việc trong lĩnh vực kế toán còn thiếu nhiều, đặc biệt là những người có năng lực chuyên môn cao. Với kiến thức là một chứng nhận vô giá, bạn sẽ có được mức lương cao hơn từ 10% đến 15% so với các ngành nghề khác trong xã hội khi theo nghề kế toán. Có thể nói mức lương chung của nhân viên kế toán hiện nay hoàn toàn có thể khiến bạn tạo lập được một cuộc sống ổn định.

      Đối với những ai ham học hỏi, luôn trau dồi kiến thức, kinh nghiệm và hoàn thiện bản thân bạn có thể phát triển sự nghiệp từ kế toán viên để trở thành các chuyên gia phân tích tài chính, kế toán trưởng, kiểm toán, chuyên gia tư vấn thuế…  Không phải ngẫu nhiên mà bà Rebecca Mahler - Giám đốc nghiên cứu sự nghiệp và đối tác tổ chức hội sinh viên tại Viện Kế toán Công chứng Hoa Kỳ (AICPA) đã nhận định: “Không thể không nhấn mạnh tầm quan trọng của nghề kế toán, vì đây thực sự là ngôi sao vàng trên đơn xin việc”. Rõ ràng nghề kế toán đang là “nghề vàng” hiện nay. Đến với nghề kế toán, cơ hội nghề nghiệp của bạn luôn rộng mở nhưng sẽ còn rộng mở hơn, phát triển hơn nếu bạn cố gắng học hỏi, trau dồi những tiêu chuẩn để trở thành một kế toán viên chuyên nghiệp ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường v.v…

Tài liệu tham khảo:

1.     Báo Vnexpress.net

2.     Tạp chí Kế toán

3.     Tuvanhuongnghiep.vn

4.     dantri.com.vn

5.     Định hướng nghề kế toán 12/8/2010

6.     Định hướng nghề nghiệp kế toán trong tương lai – Tư vấn tuyển sinh CVN 10/4/2015

7.     Báo Lao Động (laodong.com.vn)

Ths. Đỗ Thị Đào Hạnh – Khoa Kinh tế, trường Cao đẳng Hàng hải I

Các tin liên quan

Lượt truy cập:
Trực tuyến: ...