Phía sau bao chuyến tàu vươn khơi, là những người thầy thầm lặng, ngày đêm đào tạo ra nhiều thế hệ thủy thủ giỏi nghề.
Thành phố Hải Phòng được biết đến là địa điểm đào tạo nghề tàu biển lớn nhất cả nước với các trường đào tạo về hàng hải. Phía sau những chuyến vươn khơi của bao thủy thủ là sự cần mẫn của những người thầy.
Đứng trước những thách thức mới, họ đã và đang trụ vững, duy trì và lan tỏa tình yêu nghề đến nhiều thế hệ sinh viên.
Nghề thu nhập cao
Thầy giáo Vũ Ngọc Hùng (SN 1983) giảng viên khoa Điều khiển tàu biển, Trường Cao đẳng Hàng Hải I cho biết, mặc dù vài năm trở lại đây, số sinh viên đăng ký học ngành này sụt giảm nhưng trong tương lai, lái tàu biển vẫn là nghề "hot".
Trường Cao đẳng Hàng Hải I
Vì vận tải biển là lĩnh vực không thể thay thế trong nền kinh tế thế giới.
Hiện nay, Việt Nam đang từng bước phát triển đội ngũ thuyền viên theo 2 hình thức: Cung cấp thuyền viên cho các đội tàu trong nước và xuất khẩu thuyền viên sang các nước khác.
Thu nhập bình quân của người tốt nghiệp ngành này so với nhiều ngành trên bờ vẫn ở mức cao.
Mức lương thủy thủ, thợ máy cho tàu nội địa dao động từ 7 đến 8 triệu đồng/tháng, tăng dần theo chức danh: Sĩ quan 20 - 30 triệu đồng; thuyền trưởng 50 - 80 triệu đồng hoặc cao hơn.
Thầy Vũ Ngọc Hùng (đeo kính) nhận bằng khen điển hình tiên tiến của Cục Hàng Hải giai đoạn 2020 -2025
Thầy giáo sinh năm 1983 cho hay, để theo học ngành này, sinh viên cần học tốt tiếng Anh giao tiếp, tiếng Anh hàng hải; cách vận hành trang thiết bị hàng hải, điều khiển tàu, Luật hàng hải, an toàn hàng hải…Đối với các tàu nước ngoài, thủy thủ dao động khoảng 20-30 triệu đồng, cao nhất là thuyền trưởng, máy trưởng có thể 5.000-8.000 USD.
Thầy Hùng là một sinh viên từng theo học tại Đại học Hàng Hải Việt Nam, sau này tham gia công tác giảng dạy, thầy học lên Thạc sĩ.
Giáo viên sinh năm 1983 cho hay, từ năm 2010 – 2015, lượng học sinh – sinh viên giảm sút do các khu công nghiệp , khu chế suất mọc lên, thu hút lượng lớn người lao động chưa qua đào tạo nghề.
Mặt khác, nghề tàu biển cũng là công việc đặc thù, vất vả, môi trường làm việc xa nhà.
Đối mặt với tình hình đó, Ban giám hiệu Trường Cao đẳng Hàng Hải I cùng các thầy trong khoa Điều khiển tàu biển đã tích cực trong công tác quảng bá ngành nghề, nâng cao chất lượng đào tạo.
Đặc biệt, chuyển từ hình thức đào tạo hàn lâm sang đào tạo sát với nghề nghiệp, cầm tay chỉ việc và thực hành là chính.
Cùng với đó là đưa ra nhiều chính sách khuyến khích cho sinh viên như: Miễn phí kí túc xá, tặng học bổng cho học sinh nghèo vượt khó, giảm 70% học phí theo quy định Nhà nước.
Ngoài ra, trường cũng cam kết 100% sinh viên ra trường có việc làm ổn định với mức thu nhập đảm bảo từ 12 -15 triệu đồng/tháng.
Để đáp ứng nhu cầu việc làm và tạo đầu ra cho sinh viên, trường còn có công ty Vận tải biển và xuất khẩu lao động nên các em ra trường sẽ được giới thiệu đi tàu nội địa, Đông Nam Á, Đông Bắc Á, đánh thuê… tùy theo nhu cầu. “Học sinh – sinh viên sẽ không phải trả bất cứ một khoản phí môi giới nào”, thầy Hùng khẳng định.
Theo thầy Hùng, thời điểm hiện tại, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên các chủ tàu Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc không thuê được thuyền viên Ấn Độ, Banglades… nên thiếu thuyền viên trầm trọng. Đây là thuận lợi cho sinh viên mới ra trường với mức lương từ 20 – 25 triệu đồng.
Người thầy định hướng nghề
Tham gia giảng dạy nhiều năm, thầy Hùng thường tự tìm tòi, nghiên cứu những cách thức giảng dễ hiểu, áp dụng kinh nghiệm thực tiễn của bản thân để truyền tải cho sinh viên.
“Tôi và các thầy trong khoa làm công tác giảng dạy nhưng vẫn luân phiên đi tàu. Khoảng 12 tháng đi tàu, lại nghỉ 8 tháng. Thời gian 8 tháng tôi dạy tại trường. Bởi vậy, việc giảng dạy luôn được cập nhật các kiến thức mới nhất và có hiệu quả”, thầy giáo chia sẻ.
Không chỉ giảng dạy, thầy Hùng còn định hướng nghề nghiệp cho nhiều học sinh phổ thông.
Thầy Hùng cho hay, trăn trở lớn của thầy là vấn đề ngoại ngữ của sinh viên học ngành này tại trường. Thuyền viên có năng lực tốt, khéo léo và chăm chỉ nhưng ngoại ngữ kém nên so với thuyền viên nước ngoài bị thua thiệt.
Ngoài các chính sách khuyến khích sinh viên học ngoại ngữ của nhà trường, mỗi tiết giảng, thầy Hùng cũng áp dụng cả ngoại ngữ giúp sinh viên nắm bắt được những từ thông dụng trong hàng hải.
“Để đào tạo nguồn nhân lực kỹ thuật chất lượng cao, đáp ứng được những đòi hỏi khắt khe của thị trường lao động trong và ngoài nước.
Đồng thời thoả mãn nhu cầu học nghề gắn với việc làm của người dân, mỗi thầy cô phải không ngừng đổi mới, cập nhật tri thức mới, học hỏi và nâng cao chất lượng giảng dạy”, nam giáo viên bộc bạch.
Bản thân thầy đã dùng chính câu chuyện của mình và các đồng nghiệp thành công trong nghề để truyền cảm hứng cho sinh viên và định hướng nghề nghiệp cho các đối tượng học sinh phổ thông.
Trong cuộc đời dạy học, thầy Hùng vẫn nhớ như in trường hợp sinh viên đặc biệt do chính mình hướng nghiệp và trực tiếp giảng dạy.
Người đó vốn là bạn cùng thời phổ thông với thầy Hùng, làm cho công ty than ở Quảng Ninh.
Qua sự tư vấn và định hướng của thầy Hùng, người bạn này đã xin nghỉ việc, đăng ký học ngành lái tàu ở trường Cao đẳng Hàng Hải I.
Trải qua thời gian làm nghề, phát triển, đến nay anh đã thành sĩ quan và có cuộc sống tốt, thu nhập cao.
“Đây là nghề có thu nhập khá nhưng vất vả, đòi hỏi người học phải có nghị lực vươn lên”, thầy Hùng nói.
Quá trình học, không ít em hoang mang, có ý định chuyển sang lĩnh vực khác. Thầy gọi em đó ra ngoài nói chuyện, động viên em tiếp tục theo đuổi.
Thầy Hùng quan niệm, trên giảng đường là thầy nhưng ra ngoài, coi các em như người thân, lúc đó mọi khoảng cách sẽ xóa nhòa.
Với sự nỗ lực không ngừng nghỉ, thầy giáo Vũ Ngọc Hùng nhiều năm liền là chiến sĩ thi đua cấp cơ sở, là điển hình tiên tiến của Cục Hàng Hải năm 2015- 2020, đạt giải Ba Giáo viên giỏi cấp Ngành Giao thông Vận Tải năm 2019 – 2020
Quang Sơn/ vietnamnet.vn