Để đạt được các yêu cầu và góp phần quan trọng duy trì Việt nam trong Danh sách trắng (White List) của IMO, nhà trường đã huy động rất nhiều nguồn lực tài chính và khai thác từ sự hỗ trợ của kinh phí ngân sách nhà nước cấp để đầu tư, trang bị hệ thống các phòng thực hành;phòng mô phỏng; phòng nghiên cứu thí nghiệm và trung tâm huấn luyện với các trang thiết bị, phần mềm hiện đại không thua kém các cơ sở đào tạo, huấn luyện thuyền viên ở các nước tiên tiến như Nhật Bản, Hà Lan hay Singapore. Với số lượng phòng thực hành, mô phỏng lên tới 33 phòng, trường Cao đẳng Hàng hải I đã trở thành một trong những trường cao đẳng đứng đầu Miền Bắc về đầu tư cơ sở vật chất phục vụ đào tạo, huấn luyện và nghiên cứu khoa học. Tuy nhiên, song hành với việc đầu tư đó là làm thế nào để tận dụng tối đa, hiệu quả nhất các phòng thực hành, mô phỏng đã được đầu tư để phục vụ cho hoạt động đào tạo, huấn luyện và nghiên cứu khoa học là một bài toán khó đối với nhà trường.
Với mục tiêu đào tạo nguồn nhân lực hàng hải đáp ứng yêu cầu luôn được cập nhật kiến thức mới và vận hành các trang thiết bị hiện đại theo xu thế của ngành hàng hải quốc tế, các phòng thực hành, mô phỏng phải thường xuyên được bổ sung thiết bị, nâng cấp như Phòng Mô phòng Điều khiển tàu biển được đầu tư mới năm 2013; Phòng mô phỏng buồng máy tàu thuỷ có ứng dụng phần mềm tin học được nâng cấp năm 2013; Phòng thí nghiêm Cơ - Thủy - Khí, Phòng Thí nghiệm Kiểm tra kiểm định chất lượng không phá hủy; Phòng Thí nghiệm Điện-Điện tử-Tự động hóa được trang bị mới giai đoạn 2011-2013; Phòng thực hành Điện, Gia công cơ khí được đầu tư mới năm 2013 v.v…ngoài ra nhà trường còn tập trung đầu tư mới trang thiết bị hiện đại như: Trang thiết bị hệ thống nồi hơi Muira; Hệ thống làm lạnh thực phẩm và HT điều hòa trung tâm tàu thủy; Trang thiết bị Hệ thống lọc dầu tàu thủy; Xuồng cao su, mô hình thực hành thổi ngạt, tim phổi;Trang thiết bị hệ thống làm quen tàu chở dầu v.v…
Ngoài việc chú trọng về chuyên môn, thực hành tay nghề, nhà trường còn quan tâm đến việc nâng cao kỹ năng sử dụng ngoại ngữ, tin học. Với mức đầu tư hàng tỉ đồng để trang bị 02 phòng tin học với số lượng 80 máy vi tính hiện đại và 02 phòng học ngoại ngữ với 50 cabinmỗi phòng tại hai cơ sở: Khu Hiệu bộ và khu Đồng Hòa, giúp người học có môi trường thuận lợi, tiên tiến để luyện kỹ đủ bốn kỹ năng nghe, nói, đọc và viết.
Năm 2015, Nhà trường tiếp tục được đầu tư xây dựng, mua sắm lắp đặt thiết bị cho 01 Trung tâm huấn luyện khai thác tàu chở dầu, Phòng Logicstics ảo và Phòng kế toán ảo có hệ thống phần mềm mô phỏng; xây dựng thêm 01 phòng Thi trắc nghiệm trên máy tính (CBT-Room) và 01 Phòng học ngoại ngữ đa năng với mục đích tăng cường việc dạy và học ngoại ngữ trong nhà trường. Như vậy, xét về quy mô, ngày càng có nhiều các phòng thực hành, phòng mô phỏng và các trang thiết bị hiện đại được đầu tư phù hợp Công ước STCW78/2010.
Ảnh 1: Giờ học thực hành hải đồ điện tử ngành Điều khiển tàu biển
Ảnh 2: Giờ học thực hành mô phỏng buồng máy tàu thủy ngành Khai thác máy tàu thủy
Ảnh 3: Giờ học huấn luyện cứu sinh, Trung tâm Huấn luyện An toàn Cơ bản
Bên cạnh việc tiếp nhận các phòng thực hành, mô phỏng được đầu tư mới, nhà trường cũng đã áp dụng quy trình quản lý, khai thác, sử dụng phòng thực hành thống nhất các đơn vị và thể hiện được đặc thù của từng phòng chuyên môn. Tất cả các phòng đều dán bảng nội quy sử dụng hoặc quy trình vận hành với khổ chữ lớn để người dạy và người học đều nắm bắt được nhanh chóng và thuận tiện. Điều đặc biệt là không giống một số phòng thực hành khác do các kỹ thuật viên đảm nhiệm quản lý, hướng dẫn sinh viên, 100% các phòng thực hành, thí nghiệm của nhà trường đều được giao cho các thầy, cô giảng viên có trình độ chuyên môn lý thuyết cao đồng thời thành thạo tay nghề. Các thầy cô hướng dẫn thực hành đều có chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm và sư phạm nghề và đều có trình độ Đại học trở lên, trong đó 48% có trình độ Thạc sỹ. Đối với các phòng thực hành, huấn luyện nghề đi biển như ngành Điều khiển tàu biển, ngành Khai thác máy tàu biển, rất nhiều các giảng viên, huấn luyện viên hàng năm được cử đi đào tạo tại nước ngoài như Nhật Bản, Singapore, Malaysia… và đã được cấp Giấy chứng nhận khai thác, sử dụng, quản lý phòng thực hành mô phỏng và Chứng chỉ huấn luyện viên. Do yêu cầu đặc thù ngành hàng hải mang tính Quốc tế cao nên những giáo viên này ngoài trình độ chuyên môn là Thạc sỹ đều là những Thuyền trưởng, Máy trưởng, Sỹ quan quản lý, Sỹ quan vận hành có trình độ và năng lực đạt tiêu chuẩn Quốc tế.
Với cơ sở vật chất hiện đại và đội ngũ nhân viên quản lý phòng thực hành, mô phỏng được đào tạo và chuyển giao công nghệ theo đúng yêu cầu của nhà cung cấp, nhà trường đang rất có thế mạnh về đào tạo và huấn luyện các ngành nghề hàng hải, một ngành đòi hỏi tính thực hành cao. Ngoài ra, hệ thống quản lý chất lượng ISO 9001:2008 đang được duy trì và áp dụng tại trường cũng là một ưu thế vượt trội để phát huy hiệu quả của công tác huấn luyện, đào tạo kỹ năng, tay nghề cho HSSV. Tuy nhiên, do lưu lượng học sinh, sinh viên trong những năm gần đây giảm nhiều, lưu lượng bình quân năm 2014 chỉ bằng 40% năm 2012, nên dẫn đến nhiều phòng thực hành thí nghiệm không được sử dụng liên tục, hiệu quả. Với tốc độ phát triển không ngừng của khoa học kỹ thuật, nên các phòng thực hành càng hiện đại thì lại càng nhanh bị lỗi thời. Hệ thống máy móc càng tinh vi với mức đầu tư cao thì hao mòn vô hình càng lớn. Chính vì vậy, nếu không có kế hoạch, giải pháp quản lý các phòng thực hành hiệu quả thì sẽ gây lãng phí nguồn đầu tư của Nhà nước và không phát huy được nguồn lực về cơ sở vật chất phục vụ nhiệm vụ đào tạo, huấn luyện.
Từ thực trạng trên, để nâng cao năng lực quản lý, sử dụng, khai thác phòng thực hành, phòng mô phỏng nhà trường cần phải triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp sau:
Một là, các đơn vị phải có kế hoạch khai thác, sử dụng phòng thực hành theo dự báo nhu cầu phục vụ đào tạo học sinh, sinh viên. Căn cứ vào kế hoạch sử dụng của từng đơn vị, tổng hợp tình hình khai thác, sử dụng của toàn trường, so sánh với công suất khai thác của từng phòng, từ đó có biện pháp để tăng cường việc khai thác, sử dụng phục vụ các nhiệm vụ liên kết đào tạo, huấn luyện khác;
Hai là, mỗi đơn vị quản lý Phòng thực hành cần phải có báo cáo thống kê chi tiết hàng năm về hiệu quả hoạt động của các phòng, số giờ sử dụng, thời gian bảo dưỡng, sửa chữa trang thiết bị so với thông số quy định của từng phòng, từ đó đưa ra báo cáo việc khai thác sử dụng tại từng đơn vị theo từng phòng học thực hành;
Ba là, các trang thiết bị khi bàn giao phải được dán tem vỡ để chống việc mở các trang thiết bị của đơn vị sử dụng khi chưa được sự cho phép và giám sát của các bộ phận chức năng;
Bốn là, quy định rõ trách nhiệm của người đứng đầu đơn vị, cán bộ, giảng viên đươc phân công quản lý phòng thực hành, trách nhiệm của giảng viên trong nhà trường khi được bàn giao sử dụng phòng thực hành, trách nhiệm của học sinh, sinh viên trong quá trình sử dụng học tập. Đồng thời, quy định rõ trách nhiệm bồi thường vật chất nếu để xẩy ra các hư hỏng, mất mát trong quá trình bàn giao, quản lý và sử dụng;
Năm là, ban hành mẫu nhật ký sử dụng phòng thực hành trong toàn trường, riêng đối với các phòng có hệ thống máy tính thì cần bổ sung thêm nhật ký sử dụng theo từng máy;
Sáu là, căn cứ theo hồ sơ của từng phòng và thực trạng khai thác và sử dụng, định kỳ theo quy định các đơn vị phải lập kế hoạch bảo dưỡng, sửa chữa để chống xuống cấp các phòng thực hành, duy trì chế độ hoạt động thường xuyên phục vụ đào tạo;
Bảy là, tăng cường các hoạt động liên kết đào tạo, dịch vụ huấn luyện, cấp chứng chỉ chuyên môn nghiệp vụ để tăng cường thời lượng sử dụng các phòng thực hành, mô phỏng đã được đầu tư để thực hiện khấu hao vào chi phí, bổ sung vào quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp phục vụ tái đầu tư trang thiết bị trong thời gian tiếp theo, giảm hao mon vô hình.
Để thực hiện đồng bộ các giải pháp, nhà trường cần tập trung tuyên truyền nâng cao nhận thức của BCVC, HSSV trong việc quản lý, khai thác và sử dụng các trang thiết bị nói chung và phòng thực hành nói riêng và xác định đây không phải là nhiệm vụ của lãnh đạo nhà trường và các phòng chức năng mà là của từng đơn vị và từng CBVC, HSSV trong toàn trường.
Tin từ Phòng Tài chính Kế toán – trường Cao đẳng Hàng hải I