Triển khai thực hiện dự án hợp tác của Tổng Cục Giáo dục nghề nghiệp và Tổ chức FOREM – Vương quốc Bỉ về “Xây dựng một chương trình đào tạo nghề đáp ứng nhu cầu ngành Logistics và củng cố năng lực giảng dạy các nghề Logistics tại Việt Nam” (Dự án 2.19), ngày 23/9/2019, Trường Cao đẳng Hàng hải I đã được đón tiếp Đoàn cán bộ Chương trình Dự án tới thăm và làm việc về nhu cầu giáo dục nghề nghiệp ngành Logistics khu vực phía Bắc và thực trạng công tác tuyển sinh, đào tạo ngành Logistics tại nhà trường.
Trong buổi làm việc, hai bên đã trao đổi những nội dung chính về Dự án 2.19 của tổ chức FOREM – Vương quốc Bỉ. FOREM là cơ quan dịch vụ công về đào tạo nghề của Cộng đồng người Pháp tại Bỉ với mục tiêu hỗ trợ đào tạo nghề cho các quốc gia ngoài Châu Âu trong đó có Việt Nam. Trong đó, chương trình dự án hợp tác với Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp: “Xây dựng một chương trình đào tạo nghề đáp ứng nhu cầu ngành Logistics và củng cố năng lực giảng dạy các nghề Logistics tại Việt Nam” chia làm hai giai đoạn.
Giai đoạn 1, cuộc hội thảo quy mô lớn tổ chức tại Đà Nẵng vào trung tuần tháng 9 năm 2019 có sự tham gia của các chuyên gia Vương quốc Bỉ và các chuyên gia, nhà lãnh đạo và giảng viên thuộc 06 Trường Cao đẳng, dạy nghề trong cả nước như: Trường cao đẳng công nghệ Thủ Đức, Trường cao đẳng Công thương Hải Dương; Trường Cao đẳng nghề Đà Nẵng…và Trường Cao đẳng Hàng hải I. Qua đó, các Trường đã cùng trình bày trao đổi các bài tham luận về trường và thực trạng nhu cầu nhân lực của ngành Logistics tại địa phương các trường. Từ đó, thống nhất 04 nghề được lựa chọn để đào tạo thí điểm: Nhân viên Giao nhận hàng hóa, Cán bộ quản trị Logistcs, Quản lý kho hàng, Giám sát kho hàng và 02 khóa đào tạo cần phát triển cũng là 02 nghề mà Việt Nam đang lúng túng và còn gặp nhiều khó khăn trong công tác đào tạo nhân lực: Nhân viên quản trị Logistics (Logistics administrative officer) và Điều hành kho (Warehouseman). Nghề nhân viên Logistics sẽ tập trung đào tạo các mô đun cốt lõi như: Quản lý chuỗi cung ứng, Lập kế hoạch, Quản lý hoạt động kho, Kỹ thuật viên kế hoạch, Đóng gói và bao gì, Quản lý hoạt động phân phối và Tối ưu hóa các quá trình. Đối với nghề Điều hành kho sẽ bao gồm các mô đung chính như: Quá trình nội bộ trong các kho và các hoạt động Logistics, Chuẩn bị đơn hàng và gửi; Nhận hàng và Sử dụng máy đọc Code Barrers. Ngoài ra chương trình đào tạo linh hoạt có các mô đun hỗ trợ.
Giai đoạn 2, FOREM sẽ cử chuyên gia Vương quốc Bỉ sang Việt Nam và ngược lại, các trường tại Việt Nam cũng cử các giáo viên tới Vương quốc Bỉ để tham gia 02 khóa đào tạo đã được lựa chọn nói trên. Trong quá trình thực hiện, hai bên hợp tác chỉnh sửa từng phần các bộ phận chuẩn và nội dung đào tạo của 02 chương trình đã được xác định, theo phương pháp APC (tiếp cận năng lực). Bên phía Bỉ vừa đào tạo các giảng viên Việt Nam cách thức giảng dạy chương trình mới đồng thời dạy thử 2 chương trình đào tạo và phân tích tác động của 02 chương trình này.
Qua những nội dung trao đổi cụ thể về dự án của Ngài Bérenger Dufronmont, Chuyên gia tâm lý sư phạm, Chuyên gia đào tạo theo năng lực thực hiện, Chuyên viên Quan hệ quốc tế tại Forem (Cục Đào tạo và Việc làm vùng Wallonie và Bà Ingrid Auverdin, Chuyên gia về Dòng sản phẩm, Vận chuyển và Logistics tại Forem, với sự hỗ trợ của đại diện Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp - Vụ Nhà giáo, nhận thấy những cơ hội lớn mà FOREM mang lại cho công tác đào tạo, phát triển nguồn nhân lực nói chung và của Trường Cao đẳng Hàng hải I nói riêng, Bà Vũ Thị Hải Vân – Phó hiệu trưởng nhà trường khẳng định về phía Nhà trường sẽ chuẩn bị tốt nhất các điều kiện cơ sở vật chất và nhân lực tiếp tục triển khai dự án. Đặc biệt là ở giai đoạn 2, Nhà trường sẽ cử giảng viên có trình độ, thâm niên công tác, có nhiệt huyết để tham gia dự án trong 03 năm và chính là nguồn nhân rộng kiến thức, kỹ năng, công nghệ đã được chuyển giao từ FOREM, hoàn thành sứ mệnh và mục tiêu của Dự án.
Cũng trong buổi làm việc, được sự chấp thuận của Ban lãnh đạo Nhà trường, Ông Bérenger Dufronmont đề xuất buổi hội thảo tới đây của Dự án được tổ chức tại Trường Cao đẳng Hàng hải I vì điều kiện địa lý thuận lợi và là cơ hội cho nhiều giảng viên Nhà trường được tiếp cận phương pháp giảng dạy và kiến thức khoa học tiên tiến, hiện đại.
Sau buổi sáng làm việc tại trường, Đoàn tới khảo sát thực tế tại công ty Cổ phần Hàng hải Macs là đơn vị liên kết lâu năm với Nhà trường. Tại đó, Đoàn đã có góc nhìn thực tế về thực trạng sử dụng nhân lực ngành logicstics tại thành phố Cảng Hải Phòng.
Kết thúc chuyến làm việc, các bên đã hoàn thành các mục tiêu của dự án: “Xây dựng một chương trình đào tạo nghề đáp ứng nhu cầu ngành Logistics và củng cố năng lực giảng dạy các nghề Logistics tại Việt Nam”. Hy vọng đây sẽ là cơ hội mới cho sự nghiệp đào tạo nguồn nhân lực Logistics tại Nhà trường, nâng cao chất lượng đào tạo, đáp ứng yêu cầu của thị trường khu vực và cả nước.
Tin từ Phòng Hợp tác Quốc tế & KHCN – Trường Cao đẳng Hàng hải I
Một số hình ảnh của Đoàn cán bộ Chương trình Dự án làm việc tại Trường Cao đẳng Hàng hải I