Như chúng ta biết, với ưu thế về giá cước vận tải thấp, khả năng vận chuyển được lượng hàng hoá lớn giữa các châu lục, ngành hàng hải ngày càng phát triển mạnh, đội tàu thế giới tăng nhanh cả về số lượng và trọng tải của mỗi con tàu. Cùng với sự phát triển của ngành hàng hải là nhu cầu nhân lực ngày càng cao. Các công ty vận tải biển không ngừng nghiên cứu, áp dụng mọi biện pháp khai thác hiệu quả nhằm tăng lương, tăng thu nhập cho thuyền viên, tăng sức hấp dẫn đối với thuyền viên và tăng cạnh tranh trong khâu tuyển dụng thuyền viên. Vì vậy trong những năm gần đây số lượng người học nghề khai thác máy tàu thuỷ có xu hướng tăng và đang là một trong những nghề “HOT” của các cơ sở đào tạo nghề hàng hải nói chung và của trường Cao đẳng Hàng hải I nói riêng. Tuy nhiên để các em có được cơ hội việc làm, cơ hội phát triển nghề nghiệp tốt, thu nhập cao, ngay trong thời gian học tập tại trường các em phải chuẩn bị cho mình đầy đủ các điều kiện đáp ứng yêu cầu của các chủ tàu.
Đội tàu container của Tổng công ty Hàng hải Việt Nam-Vinalines
Với phạm vi quốc gia, để đáp ứng được nguồn nhân lực cho ngành hàng hải, các quốc gia đang phát triển, đặc biệt là các quốc gia ven biển đã từng bước phát triển đội ngũ thuyền viên theo hai xu hướng đó là cung cấp thuyền viên cho các đội tàu quốc gia đáp ứng yêu cầu vận tải nội địa, cạnh tranh tốt với các đội tàu nước ngoài và xuất khẩu thuyền viên cho các quốc gia khác để tạo thêm việc làm có thu nhập cao, tăng nguồn thu ngoại tệ cho quốc gia.
Việt Nam là quốc gia có biển, có nguồn nhân lực dồi dào, nhưng thu nhập bình quân chưa cao. Người học chọn nghề đi biển có xu hướng dịch chuyển dần sang các vùng nông thôn, tỉnh xa nhiều hơn là thành phố lớn vì mong muốn có thu nhập cao hơn.
Yêu cầu đặt ra đối với người học nghề khai thác máy tàu thuỷ là phải đáp ứng được các yêu cầu của công ước quốc tế về Tiêu chuẩn huấn luyện, cấp giấy chứng nhận và trực ca cho thuyền viên (STCW 78 sửa đổi 2010). Cụ thể người học phải có sức khoẻ tốt, có kiến thức chuyên môn vững vàng, có kỹ năng nghề nghiệp tốt và trình độ tiếng Anh nhất định.
Thu nhập bình quân của người học nghề khai thác máy tàu thủy có việc làm ngay sau tốt nghiệp cao hơn khá nhiều so với nhiều ngành nghề ở trên bờ. Người học có cơ hội được đi nhiều nơi trên thế giới, làm việc trong môi trường đa quốc tịch, có cơ hội được đặt chân tới những miền đất lạ, được chinh phục các đại dương bao la, được khám phá nhiều nền văn hoá của các quốc gia khác nhau,….
Ngay sau khi tốt nghiệp, người học có thể tìm được việc làm trên những con tàu vận tải nội địa hay chạy tuyến nước ngoài. Mức lương thấp nhất của thợ máy tàu nội địa khoảng 10 đến 12 triệu đồng/tháng, đối với tàu nước ngoài khoảng từ 12 đến 16 triệu đồng/ tháng. Mức lương này được tăng dần theo chức danh, lương của sỹ quan máy từ 20 đến 30 triệu đồng; của máy trưởng từ 50 đến 80 triệu đồng hoặc cao hơn tùy theo theo từng tàu, từng công ty. Nếu làm việc cho các chủ tàu nước ngoài, lương thợ máy khoảng 20 đến 30 triệu đồng, cao nhất là máy trưởng có thể tới 5.000 ÷ 8.000 usd hoặc cao hơn.
Buồng máy tàu biển
Vì vậy nếu các bạn ước mơ trở thành các thuyền, máy trưởng tàu biển để chinh phục những đại dương bao la và được làm việc trên những con tàu hiện đại, các bạn hãy lựa chọn nghề khai thác máy tàu thuỷ ở Trường Cao đẳng Hàng hải I (Địa chỉ nhà trường: số 498 Đà Nẵng, Đông Hải 1, Hải An, thành phố Hải Phòng), các bạn sẽ có nhiều cơ hội việc làm với thu nhập cao, một tương lai tốt đẹp đang chờ đón các bạn ở phía trước.
Tin từ Khoa KTMTB, Trường Cao đẳng Hàng hải I