Cơ hội và thách thức với giảng viên, sinh viên Khoa Điện - Điện tử khi STCW78/2010 chính thức được áp dụng

Thời gian: 30/09/2015 23:59

Căn cứ vào Mục 1b Điều 56 của Thông tư 11/2012/TT-BGTVT quy định về định biên an toàn tối thiểu: “Đối với tàu có tổng công suất máy chính từ 750 KW đến dưới 3.000 KW phải được bố trí 01 chức danh Thợ kỹ thuật điện. Tàu có tổng công suất máy chính từ 3.000 KW trở lên phải được bố trí 01 chức danh Sỹ quan kỹ thuật điện” đó là điều bắt buộc trong định biên an toàn tối thiểu được áp dụng từ ngày 01/01/2017.

Cũng theo Điều 38, 39 của Thông tư 11/2012/TT-BGTVT, các chức danh Thợ kỹ thuật điện và Sỹ quan kỹ thuật điện phải học chuyên ngành Điện tàu biển tại các cơ sở đào tạo Hàng hải.  

Trường Cao đẳng Hàng hải I là trung tâm đào tạo, huấn luyện chủ yếu về nhân lực Hàng hải nói chung và chuyên ngành Điện tàu thủy nói riêng. Khoa Điện - Điện tử được được nhận nhiệm vụ đào tạo, huấn luyện chuyên ngành Điện tàu thủy bậc Trung cấp từ khóa 31, bậc Cao đẳng từ khóa 37. Tuy nhiên, số lượng các bạn sinh viên ra trường tham gia học chứng chỉ huấn luyện an toàn cơ bản (IMO) và làm việc trên biển không nhiều, các em chủ yếu làm các công việc trên bờ. Mặt khác, từ năm 2013 trở lại đây số lượng sinh viên đăng ký học chuyên ngành Điện tàu thủy cũng giảm mạnh.

Thực tế hoạt động đào tạo, huấn luyện một sỹ quan Kỹ thuật điện với thời gian nhanh nhất cũng phải hơn bốn năm. Trong đó, ba năm học cao đẳng Điện và một năm thực tập chức danh Sỹ quan kỹ thuật Điện theo diện “Sổ ghi nhận huấn luyện” và 3 tháng bồi dưỡng cập nhật kiến thức Sỹ quan kỹ thuật Điện. Như vậy, để đáp ứng được yêu cầu trên mỗi tàu biển Việt Nam từ 3.000 KW trở lên có một Sỹ quan kỹ thuật điện theo công ước STCW78/2010, nhà trường đã phải bắt đầu quá trình đào tạo trước đó bốn năm (tức là từ khóa 39).

Chức danh Sỹ quan kỹ thuật điện còn có thể đào tạo từ bậc học Trung cấp với thời gian đào tạo rất dài khoảng 05 năm. Cụ thể, hai năm rưỡi hoàn thành chương trình trung cấp, hai năm thực tập chức danh Thợ điện theo “Sổ ghi nhận huấn luyện”, sau đó học nâng cao tương đương trình độ Cao đẳng và bồi dưỡng cập nhật Sỹ quan điện với thời gian 9 tháng.

Ngoài ra, đối với chức danh Thợ kỹ thuật điện, nhanh nhất cũng phải sử dụng hai năm rưỡi để làm việc trên các đội tàu có tổng công suất máy từ 750 KW đến dưới 3000 KW (trên tàu phải có một Thợ kỹ thuật điện). Tuy nhiên theo thống kê của nhà trường, số lượng người học đã tốt nghiệp hệ này không nhiều.  

            Theo dự báo về nguồn nhân lực hàng hải trong thời gian tới, chức danh Thợ kỹ thuật điện và Sỹ quan kỹ thuật điện sẽ thiếu trầm trọng, đó là thách thức đối với ngành Hàng hải Việt Nam, đặc biệt đối với các cơ sở đào tạo, huấn luyện chuyên ngành Điện tàu thủy nói chung và Trường Cao đẳng Hàng hải I nói riêng. Đây cũng là cơ hội tuyệt vời cho những sinh viên đã, đang và sẽ tham gia học chuyên ngành Điện tàu thủy mong muốn làm việc trên các tàu biển viễn dương với môi trường làm việc, chế độ đãi ngộ tốt, lương sẽ rất cao.

Các bạn sinh viên muốn tạo cơ hội tìm kiếm việc làm đúng chuyên ngành đào tạo, môi trường làm việc quốc tế và chuyên nghiệp, mức lương cao mà không phải lo chi phí tìm việc, hãy lựa chọn chuyên ngành Điện tàu thủy tại Khoa Điện – Điện tử, Trường Cao Đẳng Hàng hải I./.

                         
 
Tin từ Khoa Điện - Điện tử, trường Cao đẳng Hàng hải I

Các tin liên quan

Lượt truy cập:
Trực tuyến: ...