ĐỔI MỚI TRONG CÔNG TÁC ĐÀO TẠO HUẤN LUYỆN HỌC VIÊN SƠ CẤP CÁC NGÀNH ĐI BIỂN ĐÁP ỨNG NHU CẦU THUYỀN VIÊN TẠI TRƯỜNG CAO ĐẲNG HÀNG HẢI I

Thời gian: 01/09/2020 08:39

Khi các ngành đi biển không còn là sự lựa chọn ưu tiên của sinh viên đại học, cao đẳng trong những năm gần đây đã dẫn đến tình trạng thiếu hụt thuyền viên trầm trọng cho các chủ tàu biển, người khai thác tàu trong và ngoài nước. Việc tìm kiếm và duy trì thuyền bộ cho các tàu (đặc biệt là thuyền viên chức danh thấp như thủy thủ, thợ máy) trở thành một áp lực rất lớn cho các nhà quản lý và khai thác tàu. Nếu không đủ thuyền viên thì tàu không thể khai thác hiệu quả được, thậm chí không thể khai thác được. Do vậy, việc đảm bảo nguồn thuyền viên cho các chủ tàu, người khai thác tàu nói riêng và ngành hàng hải nói chung trở thành một bài toán cần có lời giải ngay đối với các cơ quan quản lý hàng hải cũng như các cơ sở đào tạo, huấn luyện thuyền viên.

Trước tình hình đó, với vai trò là một trong những cơ sở huấn luyện đào tạo thuyền viên uy tín nhất trong cả nước, Ban Giám hiệu trường Cao đẳng Hàng hải I đã quyết định tập trung định hướng tuyển sinh và đào tạo huấn luyện hệ sơ cấp các ngành đi biển nhằm đáp ứng nhu cầu sử dụng thuyền viên đang rất cấp thiết trên thị trường. Việc đào tạo huấn luyện trình độ sơ cấp có ưu điểm là tuyển sinh liên tục, thời gian đào tạo nhanh, kịp thời đáp ứng sự thiếu hụt thuyền viên. Tuy nhiên, nhược điểm là trình độ, chất lượng đầu vào thấp, khả năng nắm bắt kiến thức chậm, nhiều học viên chưa ý thức được việc học để khi ra trường có đủ kỹ năng, kiến thức để làm việc.

Ảnh 1: Giờ học thực hành cứu sinh cứu hỏa

Để khắc phục các nhược điểm trên, đảm bảo học viên khi ra trường có đủ các kỹ năng theo tiêu chuẩn của công ước STCW, đủ khả năng làm việc trên các đội tàu trong nước và nước ngoài, Trường Cao đẳng Hàng hải I đã có nhiều đổi mới trong đào tạo huấn luyện hệ sơ cấp. Căn cứ các tiêu chuẩn của công ước STCW cho các chức danh thủy thủ, thợ máy, thợ điện và chương trình do Bộ GTVT ban hành, các Khoa đã xây dựng các bài giảng rất sát thực tế làm việc dưới tàu. Do đặc thù nghề nghiệp nên yếu tố an toàn lao động được Nhà trường ưu tiên hàng đầu, học viên theo học đều được trang bị đầy đủ bảo hộ lao động như đi làm việc dưới tàu. Các quy định về an toàn lao động, an toàn sinh mạng trên biển được đưa vào suốt quá trình giảng dạy. Tất cả các giờ dạy đều được thực hiện tại các phòng thực hành, phòng mô phỏng nhằm giúp học viên làm quen, vận hành và bảo quản, bảo dưỡng được các trang thiết bị trên tàu. Giáo viên được bố trí giảng dạy chuyên môn tại các lớp này đều là những người sỹ quan và thuyền, máy trưởng có nhiều kinh nghiệm đi tàu và có thâm niên giảng dạy.

Ảnh 2: Giờ thực hành thuyền nghệ

Ngoài chuyên môn thì tiếng Anh cũng là một môn học được Nhà trường chú trọng. Không những tập trung vào việc dạy các kỹ năng giao tiếp cơ bản thông thường, tùy thuộc vào tính chất công việc của từng ngành nghề, các mảng kiến thức tiếng Anh chuyên ngành cũng được các thầy cô chọn lọc và truyền đạt. Ví dụ như ngành Boong thì chú trọng đến các khẩu lệnh lái, khẩu lệnh làm dây…, ngành Máy là tên các trang thiết bị, các thông số máy… Với cách dạy này, phần lớn các em khi tốt nghiệp đều có thể giao tiếp cơ bản cũng như thực hiện được các công việc cơ bản trong môi trường làm việc có người nước ngoài.

Thực hiện chủ trương kết nối Nhà trường với Doanh nghiệp trong công tác huấn luyện đào tạo, Nhà trường cũng đã mời một số doanh nghiệp tham gia vào quá trình huấn luyện đào tạo sơ cấp. Một số doanh nghiệp sử dụng thuyền viên như Inlaco Sài Gòn; HP Marine … đã tự tuyển học viên, đặt hàng nhà trường đào tạo huấn luyện. Ngoài các tiêu chuẩn theo chương trình đào tạo, doanh nghiệp cũng đưa ra những tiêu chí riêng nhằm đáp ứng các yêu cầu sử dụng lao động của riêng doanh nghiệp. Trong các buổi sát hạch định kỳ cũng như sát hạch cuối khóa, doanh nghiệp cũng tham gia để đánh giá khách quan chất lượng đào tạo của Nhà trường.

Ảnh 3: Giờ học thực hành buồng máy

Ngoài việc chú trọng công tác huấn luyện đào tạo như trên, Nhà trường còn làm tốt công tác tư tưởng để học viên luôn tự giác và yên tâm học tập. Định kỳ, cán bộ quản lý lớp sẽ xuống tuyên truyền động viên, nhắc nhở. Các thông tin tuyển dụng của các doanh nghiệp liên tục được cập nhật đến các học viên. Nhà trường thông qua Trung tâm Phát triển nguồn lực hàng hải và Xuất khẩu lao động đã giúp các em tìm kiếm việc làm, bố trí việc làm trên các tàu của Trung tâm quản lý. Vì vậy, tất cả các học viên khi tốt nghiệp đều có việc làm với mức thu nhập bình quân thấp nhất là 12 triệu đồng/tháng. Điều này cũng là một nguồn động viên rất lớn để thu hút học viên cũng như giúp các em có động lực học tập.

Ảnh 4: Doanh nghiệp tham gia đánh giá chất lượng cuối khóa

Thu nhập ổn định, việc làm có ngay và có khả năng tiếp tục phấn đấu học tập để đạt đến chức danh cao hơn với mức lương hấp dẫn hơn nhiều lần, môi trường làm việc chuyên nghiệp hơn, được trải nghiệm nhiều nơi trên thế giới. Đây cũng là những thông tin thực tế mà các thầy cô luôn tìm cách truyền tải đến học viên. Để các học viên hiểu rõ hơn về nghề, về khả năng thăng tiến và thu nhập trong tương lai, gắn bó và yêu nghề. Để lực lượng thuyền viên Việt Nam luôn dồi dào và đáp ứng đủ nhu cầu sử dụng của các chủ tàu trong và ngoài nước, mang lại việc làm và nguồn thu nhập cho gia đình và đất nước. Đó cũng là điều mà mỗi giảng viên trong trường Cao đẳng Hàng hải I luôn mong mỏi./.

                                                                                          TRUNG TÂM PTNLHH&XKLĐ

Lượt truy cập:
Trực tuyến: ...