Văn phòng Chủ tịch nước tổ chức họp báo công bố Lệnh của Chủ tịch nước công bố: Bộ luật Hàng hải Việt Nam

Thời gian: 02/01/2016 23:59

Sáng 18/12/2015, Văn phòng Chủ tịch nước đã tổ chức công bố Lệnh của Chủ tịch nước công bố 9 Luật và 2 Nghị quyết đã được Quốc hội khóa XIII thông qua tại kỳ họp thứ 10 vừa qua.

Các Luật được công bố gồm Luật An toàn thông tin mạng, Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân, Luật Kế toán, Luật Thống kê, Luật Khí tượng thủy văn, Luật phí và lệ phí, Luật Trưng cầu ý dân, Luật Quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng, Bộ luật Hàng hải Việt Nam.

Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Công cho biết Bộ luật hàng hải Việt Nam có vai trò quan trọng đối với sự phát triển của ngành hàng hải và kinh tế xã hội của đất nước. Các quy định về chính sách phát triển hàng hải, tàu biển, thuyền viên, cảng biển, vận tải biển và dịch vụ thương mại, an toàn hàng hải, an ninh hàng hải và bảo vệ môi trường cũng như việc vận chuyển hàng hóa bằng đường biển và bảo hiểm hàng hải, cải cách thủ tục hành chính đã được đề cập trong 20 Chương và 341 Điều của Bộ luật, tăng 2 Chương và 80 Điều so với Bộ luật hàng hải Việt Nam năm 2005.

Bộ luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2017.

BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI

GIỚI THIỆU

BỘ LUẬT HÀNG HẢI VIỆT NAM 2015

Bộ luật hàng hải Việt Nam là Bộ luật kinh tế chuyên ngành đầu tiên của Việt Nam, được ban hành lần đầu vào năm 1990 và sửa đổi năm 2005; Bộ luật có vai trò quan trọng đối với sự phát triển của ngành hàng hải và kinh tế xã hội của đất nước; đồng thời giữ vai trò quan trọng trong việc nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về hàng hải ở nước ta. Tuy nhiên, sau thời gian triển khai thực hiện, cùng với sự phát triển kinh tế và hội nhập quốc tế của cả nước, nhiều quy định mới được ban hành, các điều ước quốc tế được Việt Nam ký kết, gia nhập và thực tế hoạt động hàng hải có những thay đổi đòi hỏi Bộ luật Hàng hải Việt Nam phải được sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với quy định hiện hành cũng như thực tế hoạt động hàng hải, đồng thời đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, góp phần thúc đẩy tiến trình phát triển, hội nhập của nền kinh tế quốc dân nói chung và ngành hàng hải nói riêng.

Để đáp ứng kịp thời nhu cầu cấp bách này, được sự phân công của Quốc hội, Chính phủ, Bộ Giao thông vận tải đã tổ chức nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung toàn diện Bộ luật hàng hải Việt Nam và được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIII thông qua tại kỳ họp thứ 10 ngày 25 tháng 11 năm 2015. Bộ luật gồm 20 chương với 341 điều, tăng 2 chương và 80 điều so với Bộ luật hàng hải Việt Nam 2005, với đầy đủ các quy định điều chỉnh mọi hoạt động trong lĩnh vực hàng hải, có vai trò quan trọng và tác động rất lớn tới sự phát triển, hội nhập của ngành hàng hải nói riêng và kinh tế xã hội Việt Nam nói chung. Các quy định sửa đổi, bổ sung của Bộ luật lần này gồm các nội dung cơ bản dưới đây:

I. NHỮNG NỘI DUNG CƠ BẢN CỦA BỘ LUẬT HÀNG HẢI VIỆT NAM

1. Về chính sách phát triển hàng hải (Điều 7)

Chính sách phát triển hàng hải đã được Bộ luật bổ sung quy định đầy đủ, chi tiết trong các lĩnh vực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng cảng biển, phát triển đội tàu biển, đội ngũ thuyền viên đáp ứng yêu cầu trong nước và quốc tế; tăng cường hợp tác, hội nhập quốc tế và ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến, hiện đại trong lĩnh vực hàng hải nhằm định hướng và làm căn cứ cho Chính phủ ban hành các chính sách cụ thể theo từng giai đoạn phù hợp với thực tế phát triển góp phần thực hiện thắng lợi Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020 mà Đảng và Nhà nước đã đề ra.

2. Về tàu biển (Chương II)

Các quy định về tàu biển, khái niệm tàu biển, việc phân loại xác định giữa tàu biển với các loại thiết bị khác như ụ nổi, kho chứa nổi…đã được quy định rõ ràng, tránh được sự nhầm lẫn trong quá trình mua bán, đăng ký và sử dụng tàu biển. Việc đăng ký, đăng kiểm và thế chấp tàu biển cũng được quy định chi tiết, cụ thể tạo thuận lợi cho chủ tàu, doanh nghiệp trong quá trình hoạt động. 

3. Về thuyền viên (Chương III)

Quy định về thuyền viên và thuyền bộ đã được bổ sung, cập nhật theo đúng các quy định của Công ước quốc tế về lao động hàng hải (MLC 2006) của Tổ chức Lao động Thế giới, bao gồm các quy định về quyền, nghĩa vụ của thuyền viên, điều kiện lao động, tiêu chuẩn, chế độ của thuyền viên khi làm việc trên tàu, thời gian làm việc và thời gian nghỉ ngơi cửa thuyền viên; trách nhiệm của chủ tàu đối với thuyền viên khi có tai nạn, sự cố; đặc biệt là trách nhiệm đối với việc hồi hương thuyền viên, bảo đảm khắc phục tối đa tình trạng chủ tàu bỏ mặc thuyền viên khi tàu hoạt động ở nước ngoài như đã từng xảy ra trước đây.

4. Về cảng biển (Chương IV)

Bộ luật bổ sung nhiều quy định nhằm điều chỉnh toàn bộ các hoạt động quy hoạch, đầu tư xây dựng và quản lý khai thác cảng biển, xử lý hàng hóa tồn đọng tại cảng biển. Đặc biệt Bộ luật đã có quy định về Ban quản lý và khai thác cảng, giao Chính phủ quy định chi tiết về cơ cấu tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn khu vực áp dụng mô hình Ban quản lý và khai thác cảng nhằm xây dựng một tổ chức có chức năng điều phối chung trong việc phát triển từng khu vực cảng, nhóm cảng; quản lý chung cả vùng nước cảng biển và vùng đất sau cảng để tạo sự thống nhất trong việc đầu tư, phát triển, quản lý khai thác kết cấu hạ tầng cảng biển, khu hậu cần sau cảng và khu công nghiệp phụ trợ để giải quyết những bất cập hiện nay tại khu vực cảng biển. Ngoài ra, Bộ luật cũng có các quy định bổ sung về cảng cạn và quản lý khai thác cảng cạn, đáp ứng kịp thời nhu cầu thực tế trong hoạt động sản xuất kinh doanh. 

5. Về vận tải biển và dịch vụ hàng hải

Lĩnh vực vận tải biển và dịch vụ hàng hải được Bộ luật điều chỉnh theo hướng ưu tiên phát triển vận tải biển, bảo hộ quyền vận tải biển nội địa cho đội tàu biển Việt Nam phù hợp với thông lệ quốc tế; khuyến khích phát triển logistics…. 

6. Về an toàn hàng hải, an ninh hàng hải và bảo vệ môi trường (Chương V)

Nhận thức rõ tầm quan trọng của vấn đề này, Bộ luật đã bổ sung một chương mới quy định về an toàn hàng hải, an ninh hàng hải và bảo vệ môi trường với các quy định chi tiết về an toàn, an ninh hàng hải, tìm kiếm cứu nạn trên biển, quy định về bảo vệ công trình hàng hải và bảo vệ môi trường trong hoạt động hàng hải, phá dỡ tàu biển.

7. Về vận chuyển hàng hóa bằng đường biển và bảo hiểm hàng hải (Chương IV)

Bộ luật đã sửa đổi, thay thế một số thuật ngữ và quy định áp dụng theo thông lệ quốc tế và thống nhất trong áp dụng luật, tránh được sự trùng lặp giữa các khái niệm người nhận hàng, người gửi hàng và người giao hàng trong hợp đồng vận chuyển hàng hóa bằng đường biển; đồng thời sửa đổi quy định thời hiệu khởi kiện về hư hỏng, mất mát hàng hóa cho phù hợp với thông lệ quốc tế.

Bộ luật cũng đã được sửa đổi và bổ sung các quy định về hợp đồng bảo hiểm hàng hải, đối tượng bảo hiểm hàng hải, xác định quyền lợi có thể được bảo hiểm, số tiền bảo hiểm, miễn trách nhiệm đối với người bảo hiểm cho phù hợp với pháp luật về bảo hiểm và luật bảo hiểm quốc tế.

8. Về cải cách thủ tục hành chính

Cải cách thủ tục hành chính là một trong các mục tiêu trọng tâm trong quá trình sửa đổi Bộ luật. Các quy định về đăng ký, mua bán tàu biển được quy định rõ ràng, chi tiết; thời hạn tạm giữ tàu biển cũng được quy định cụ thể trong Bộ luật nhằm bảo đảm công khai, minh bạch, hạn chế thấp nhất tổn thất và tránh trường hợp làm khó cho chủ tàu. Hộ chiếu thuyền viên cũng được loại bỏ để giảm thiểu số lượng giấy tờ của thuyền viên khi hoạt động trên tuyến quốc tế; đồng thời bãi bỏ thủ tục hành chính chấp thuận đặt tên tàu biển, đặt tên cảng biển, cảng dầu khí ngoài khơi, bến cảng, cầu cảng, bến phao, khu nước, vùng nước khi đặt tên chỉ cần tuân theo nguyên tắc quy định tại Bộ luật.

Ngoài ra, Bộ luật cũng đã sửa đổi, bổ sung các quy định về lai dắt tàu biển, hoa tiêu hàng hải, phá dỡ tàu biển, trục vớt tài sản chìm đắm, xử lý tài sản chìm đắm gây nguy hiểm…theo hướng rõ ràng, cụ thể, chi tiết và phù hợp với điều ước, thông lệ quốc tế.

Những sửa đổi, bổ sung của Bộ luật hàng hải Việt Nam 2015 đã góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật hàng hải Việt Nam, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp trong hoạt động hàng hải, đồng thời nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong quản lý nhà nước của các cơ quan chuyên ngành, thúc đẩy sự phát triển và hội nhập quốc tế của ngành hàng hải nói riêng và kinh tế xã hội của Việt Nam trong thời kỳ mới.

II. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Căn cứ quy định của Bộ luật hàng hải Việt Nam 2015, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải đã ký Quyết định ban hành chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật năm 2016. Bộ Giao thông vận tải sẽ phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan như Bộ Tư pháp, Bộ Y tế, Bộ Tài chính, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội để xây dựng các văn bản hướng dẫn thi hành Bộ luật trình Chính phủ ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền. Về cơ bản, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thi hành Bộ luật sẽ được ban hành, đảm bảo có hiệu lực đồng thời với hiệu lực của Bộ luật (từ ngày 01 tháng 7 năm 2017).

2. Bộ Giao thông vận tải đang triển khai xây dựng kế hoạch tuyên truyền, phổ biến Bộ luật hàng hải Việt Nam 2015 và các văn bản hướng dẫn thi hành Bộ luật, coi đây là công tác trọng tâm trong năm 2016 với mục tiêu tuyên truyền kịp thời, thường xuyên với nhiều hình thức các quy định của Bộ luật hàng hải Việt Nam đến từng người dân, đặc biệt là các quy định mới, bảo đảm về cơ bản, các cơ quan quản lý nhà nước cũng như người dân được tiếp cận để có cách hiểu đúng và thống nhất các quy định trước khi Bộ luật có hiệu lực thi hành, tạo điều kiện thuận lợi trong quá trình triển khai thực hiện Bộ luật.

Phương Anh.

 

Các tin liên quan

Lượt truy cập:
Trực tuyến: ...