Tin tức chung
Để thuyền viên được tham gia Bảo hiểm xã hội liên tục  (16/11/2021)


Theo Công ước Lao động hàng hải 2006 thuyền viên, thủy thủ không làm việc liên tục trên tàu quá 12 tháng, sau thời gian này họ được nghỉ vài tháng để chờ bố trí công việc tiếp theo. Trong thời gian này “bỗng dưng” họ không thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc.

 
Điều này làm gián đoạn quá trình đóng của người lao động cũng như mất đi quyền lợi được tham gia BHXH liên tục, trong khi Đảng, Chính phủ đang đẩy mạnh phát triển BHXH tự nguyện. 

Nghe nội dung chi tiết tại đây:

Vừa trở về đất liền sau nhiều tháng lênh đênh trên biển, vượt qua nhiều châu lục từ châu Mỹ, châu Âu tới châu Á, thuyền trưởng Đỗ Cảnh Đạt chia sẻ, đây là chuyến công tác có hải trình dài ngày nhất mà anh từng đi, chỉ riêng việc di chuyển từ cảng Cảng New Orleans của Mỹ đến cảng Đài Loan đã mất gần 2 tháng. 

Với đặc thù công việc luôn gắn liền với tàu thuyền và biển cả liên tục, nên thời gian làm việc của thuyền viên thông thường là 10 tháng cộng trừ 2 tháng, sau khi kết thúc hợp đồng họ thường được nghỉ từ 2-3 tháng để tiếp tục hải trình mới. Trong thời gian này các công ty, đặc biệt là công ty xuất khẩu thuyền viên sẽ dừng đóng BHXH, khiến quá trình đóng của người lao động bị gián đoạn và để được tham gia BHXH tự nguyện thì thủ tục chuyển đổi cũng không dễ dàng. 

Để lấy được sổ bảo hiểm ra mang về địa phương đóng bảo hiểm tự nguyện thì thủ tục rất loằng ngoằng. Muốn lấy sổ ở công ty thì buộc phải chấm dứt hợp đồng lao động, trong thời gian đó đơn từ rồi chốt sổ mất tới 45 ngày, xong làm thủ tục mang về địa phương đóng tự nguyện. Sau đóng tự nguyện được vài tháng muốn đi công tác thì lại phải chấm dứt đóng tự nguyện ở địa phương mang sổ đến công ty. Anh em có nguyện vọng khi về bờ các công ty cứ tham gia bảo hiểm, sau này đi làm lại công ty sẽ truy thu, để anh em được đóng BH liên tục.

Đây cũng là tâm tư của nhiều nhiều thuyền viên, thủy thủ đã gắn bó hàng chục năm với nghề, hoạt động ở các tuyến vận tải quốc tế.

Cái bảo hiểm khi anh em đi làm thì đóng bình thường, khi về dự trữ công ty đóng hỗ trợ cho 6 tháng, ngoài 6 tháng thì tất cả thuyền viên bị ngưng không được đóng bảo hiểm nữa. 

Đối với công ty tôi đang biên chế là Vosco trước kia ngành hàng hải chưa suy thoái, công ty đóng hoàn toàn trong thời gian nghỉ đợi, khi công ty khó khăn thời gian đầu đóng cho 3 tháng và khi kinh tế suy thoái hẳn, nếu thuyền viên lao động 14 ngày trở xuống thì tháng đó sẽ không được đóng bảo hiểm. Bây giờ rất nhiều anh em đi đánh thuê cho chủ tàu nước ngoài, nếu có nhu cầu đóng bảo hiểm thì người ta chỉ đóng cho thời gian đi công tác trên biển, còn trên bờ là không có.

Lý giải vấn đề này, ông Trần Tuấn Hải, Trưởng ban truyền thông Tổng Công ty Hàng hải VN cho rằng, nhiều năm trước hoạt động vận tải biển rất khó khăn, thua lỗ, nên chế độ lương, bảo hiểm cũng bị hạn chế. Tuy nhiên 2 năm gần đây mức lương từ các hãng tàu nước ngoài trả cho thuyền viên tăng rất cao, vì thế các công ty vận tải biển trong nước cũng đã tăng lương để giữ chân lao động. Thế nhưng xu hướng thuyền viên Việt Nam chuyển sang làm việc cho các tàu nước ngoài ngày càng lớn, nếu tạm ứng đóng BHXH trong thời gian dài về bờ DN sẽ rất khó khăn. 

Trước đây thời gian dự trữ ngắn, tuy nhiên trong thời gian dịch bệnh, thời gian dự trữ kéo dài bởi những khó khăn về thay thế thuyền viên. Trước đây các công ty thường sẽ trả lương trong thời gian dự trữ và có thể đóng BHXH cho những thuyền viên có sự gắn bó với công ty. Tuy nhiên trong giai đoạn giãn cách này việc xử lý các quyền lợi của thuyền viên cũng bị ảnh hưởng. Tới đây khi dịch bệnh được hạn chế, việc nhập và rời tàu để làm việc hưởng lương, hưởng các chế độ sẽ tăng lên, thuyền viên sẽ được đảm bảo quyền lợi. 

 2 năm gần đây mức lương từ các hãng tàu nước ngoài trả cho thuyền viên tăng rất cao. Ảnh: ST

Còn theo ông Hoàng Văn Dương, GĐ Công ty CP Hàng hải Liên Minh, hiện có tình trạng một số đơn vị dừng đóng BHXH ngay sau khi thuyền viên về bờ, nhưng số này không nhiều. Bởi nguồn nhân lực hàng hải hiện đang thiếu nên rất ít DN cắt đi các chế độ chính sách của người lao động. Để giữ chân lao động, hơn 10 năm qua công ty vẫn thực hiện đóng BHXH đầy đủ trong thời gian thuyền viên về bờ, với điều kiện thuyền viên đăng kí tiếp tục đi làm sau thời gian nghỉ.

DN phải giữ người, trong thời gian họ không đi làm, không có lương thì bên anh vẫn phải đóng bảo hiểm xã hội, bao giờ anh em xuống tàu thì lại đóng theo thời gian đi trên biển. Công ty có 2 giai đoạn đóng BHXH, khai báo ngày thuyền viên xuống tàu và rời tàu để đóng nối tiếp cho anh em, đóng đến lúc người ta xin nghỉ việc, ra quyết định chấm dứt chuyển sổ bảo hiểm đến đơn vị khác.   

Phó Cục trưởng Cục Hàng hải VN ông Hoàng Hồng Giang, khẳng định theo quy định của Luật BHXH năm 2014, người lao động không làm việc và không hưởng tiền lương từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng thì không đóng BHXH tháng đó. Tham chiếu vào quy định này, một số công ty đã dừng đóng BHXH cho thuyền viên trong thời gian về bờ, khiến quá trình đóng của họ bị gián đoạn. 

Trên thực tế quy định này hiện nay đang gây khó khăn, thiệt thòi cho  thuyền viên khi tính toán để được hưởng các quyền lợi của BHXH. Tương tự thì các quy định về BHYT, bảo hiểm thất nghiệp cũng cần có quy định riêng cho lao động là thuyền viên. Vì thuyền viên là lao động rất đặc thù về thời gian, về môi trường làm việc, các chế độ khác nhau đan xen giữa pháp luật lao động VN và các quy định của tổ chức hàng hải quốc tế liên quan đến lao động. 

Cũng theo ông Giang, Cục Hàng hải VN, Bộ GTVT sẽ có kiến nghị cụ thể tới Bộ LĐTB&XH nhằm sớm sửa đổi, bổ sung các luật, nghị định liên quan đến chính sách cho thuyền viên. Bởi đây là lực lượng chủ chốt để VN phát triển vươn ra biển theo Nghị quyết của Đảng và Chính phủ.   

Dưới góc nhìn khác, ông Phạm Minh Huân, Nguyên Thứ trưởng Bộ Lao động Thương binh và xã hội cho rằng, về lý thì các DN đang thực hiện đúng theo Luật tuy nhiên DN nên vận dụng linh hoạt, hỗ trợ người lao động đóng BHXH trong thời gian nghỉ giữa 2 chu kỳ làm việc, nhằm động viên họ gắn bó lâu dài, tránh “đứt mạch” trong các chế độ chính sách. Về lâu dài Bộ GTVT cần phối hợp với Bộ LĐTB&XH ban hành hướng dẫn riêng cho ngành nghề đặc thù là thuyền viên. 

Cái này trách nhiệm đầu tiên thuộc về Bộ GTVT - đơn vị quản lý thuyền viên. Dựa trên tình hình thực tế cũng như kinh nghiệm của các nước bây giờ phải xem xét, đề xuất cùng phối hợp với Bộ LĐTB&XH trong lần sửa Luật BHXH tới đây, đối với ngành nghề đặc thù, trong đó có thuyền viên phải xem xét để có hướng dẫn, quy định trong luật hoặc giao cho Chính phủ hướng dẫn để bảo đảm quyền lợi an sinh của người lao động.

Ảnh minh họa: Shutterstock

Đại hội hội lần thứ XIII của Đảng đã xác định đến năm 2030 Việt Nam trở thành quốc gia mạnh về biển. Để thực hiện mục tiêu này, cần một hệ thống các giải pháp đồng bộ, trong đó các chế độ chính sách cho đội ngũ thuyền viên - lực lượng nòng cốt của ngành vận tải biển cần được quan tâm đúng mức. Bởi đây là ngành nghề đặc thù nên chính sách BHXH và các chính sách liên quan cũng cần được xem xét, nghiên cứu thấu đáo nhằm động viên họ gắn bó với nghề.  

Đó là góc nhìn của VOVGT qua bình luận nhan đề: “Cần có chính sách đặc thù, đảm bảo an sinh cho thuyền viên”.

Việt Nam hiện có khoảng 5 vạn thuyền viên, trong đó có 2.000 thuyền viên đang làm việc trên các đội tàu nước ngoài. Việc hành hải trên biển vốn dĩ luôn đối mặt với nhiều hiểm nguy, sóng gió bất ngờ, nguy cơ tai nạn luôn rình rập, nay dịch Covid-19 bùng phát trên diện rộng ở nhiều quốc gia càng khiến họ gặp nhiều có khăn khi hồi hương và ngay cả việc tiếp cận những dịch vụ cơ bản nhất là lên bờ để mua sim thẻ cũng là điều không thể. Thậm chí khi thuyền viên bị nhiễm Covi còn bị các cảng từ chối tiếp nhận, thuyền viên không thể tiếp cận với cơ sở y tế trên bờ. 

Theo các chuyên gia, lao động hàng hải là một trong những ngành nghề đặc thù và có tính chất nguy hiểm cao, ngoài việc áp dụng những cơ chế chung theo pháp luật lao động, cần phải có những quy định riêng phù hợp với ngành nghề chuyên môn, đảm bảo quyền lợi và lợi ích cho thuyền viên là rất cấp thiết. Vì thế, mong mỏi của thuyền viên được tham gia BHXH liên tục là nhu cầu chính đáng. Điều này cho thấy thiếu sót lớn khi xây dựng chính sách, trong đó Bộ GTVT chưa thực sự sát sao khi xây dựng chính sách đặc thù cho lực lượng thuyền viên. 

Mặc dù Chính phủ đã ban hành Nghị định 121/2014 quy định chi tiết một số điều của Công ước lao động hàng hải năm 2006 về chế độ lao động của thuyền viên làm việc trên tàu biển. Tuy nhiên, chính sách BHXH đặc thù cho lực lượng thuyền viên lại chưa được đề cấp tới. Trong khi đó, lao động đặc thù trong ngành hàng không cũng đã được quy định rõ ràng. 

Để lấp “khoảng trống” về chính sách, Bộ GTVT cần sớm nghiên cứu, đề xuất với Chính phủ bổ sung hướng dẫn cho lực lượng lao động đặc thù là thuyền viên. Và tới đây khi Quốc hội tiến hành sửa Luật BHXH năm 2014 cần đặc biệt lưu ý bổ sung chính sách này. Việc hoàn thiện chính sách về an sinh cho thuyền viên cũng là điều kiện căn bản cần có để giữ chân người lao động, đảm bảo sự phát triển ổn định và sức cạnh tranh của ngành vận tải biển VN, tránh tình trạng "chảy máu" nguồn nhân lực hàng hải vốn đang khan hiếm hiện nay.

Theo Vovgiaothong.vn

Bạn đã tốt nghiệp tại Cao Đẳng Hàng Hải I và hiện đang:
 Làm việc đúng chuyên ngành
 Tìm việc
 Làm việc không đúng chuyên ngành
 Chờ học tiếp
Biểu quyết Xem kết quả
OnlineOnline
TotalTotal