KỸ THUẬT VIẾT MỤC TIÊU BÀI GIẢNG

Thời gian: 09/01/2016 23:59

Một trong những hoạt động chuyên môn quan trọng hiện nay của trường Cao đẳng Hàng hải I là biên soạn giáo trình, bài giảng, tài liệu học tập và giáo án giảng dạy của giáo viên. Sau nhiều năm tham gia Hội thi giáo viên dạy giỏi các cấp và kinh nghiệm rút ra từ thực tế giảng dạy, qua đây tôi muốn trao đổi với bạn đọc, đồng nghiệp những kinh nghiệm để hình thành kỹ thuật viết “Mục tiêu bài giảng” của giáo viên. Đây chính là cơ sở, là nền tảng để đổi mới phương pháp dạy học phù hợp với phương thức đào tạo tín chỉ và những phương thức đào tạo khác mà nhà trường đang tổ chức đào tạo với các hệ, cấp độ khác nhau.

Cùng với nội dung, phương pháp, mục tiêu giảng dạy là những thành tố không thể thiếu và có quan hệ chặt chẽ với nhau trong quá trình dạy học. Một tiết giảng hay không chỉ căn cứ vào hoạt động của thầy và trò diễn ra như thế nào, sử dụng phương pháp và phương tiện gì, mà điều cốt yếu là sau tiết giảng đó có đạt được mục tiêu đề ra hay không? Việc xác định không đúng hoặc không rõ ràng mục tiêu bài giảng thì khó mà dạy hay, dạy tốt. Giáo viên và học sinh dễ lạc vào một “rừng tri thức” mà không biết đích đến. Vì vậy, viết đúng mục tiêu bài giảng chúng ta cần hiểu rõ bản chất của nó từ đó mới viết đúng được.

1. Khái niệm về Mục tiêu bài giảng

Mục tiêu (nói chung) là kết quả dự kiến cần đạt được sau khi thực hiện một hoạt động.

Mục tiêu dạy học là cái đích người học phải đạt được sau khi học; đó chính là “đích” cuối cùng mà thầy trò đều phải hướng tới.

Mục tiêu bài giảng (bài dạy) có nhiều cách diễn đạt chẳng hạn như:

- Mục tiêu bài giảng là kết quả mà giáo viên mong muốn người học đạt được sau bài giảng;

- Mục tiêu bài giảng “là tuyên bố về những gì người học phải hiểu rõ, phải làm được sau bài dạy”;

- Mục tiêu nói về việc người học sẽ như thế nào hoặc có khả năng làm được gì sau khi kết thúc một bài giảng.

Như vậy, theo quan điểm “dạy học hướng vào người học” thì mục tiêu đề ra là của người học chứ không phải của giáo viên. Vì vậy, câu tuyên bố mục tiêu bài giảng bao giờ cũng là: Sau khi kết thúc bài học này, người học/các em có khả năng….

2. Ý nghĩa của mục tiêu bài giảng

Mục tiêu dạy học nói chung và bài giảng nói riêng có một ý nghĩa hết sức quan trọng, nó định hướnggiúp lập kế hoạch cho các hoạt động dạy học và khi thực hiện sẽ quyết định thành công của kế hoạch này; nó còn định hướng cho việc tìm tài liệu dạy học; là cơ sở xác định các kết quả học tập cần đạt, để kiểm tra, đánh giá người học, người dạy cũng như giá trị của một bài giảng, một chương trình đào tạo.

Không có tiết giảng nào hiệu quả mà thiếu mục tiêu bài giảng. Một bài học thiếu mục tiêu hoặc xác định không đúng và không rõ ràng giống như một chiếc thuyền ra khơi mà không xác định được đích đến, không biết mình đang đi đâu, không ý thức được bằng cách nào để đi đến đích và không biết được khi nào thì sẽ đến đích.

2.1. Đối với giáo viên

Một mục tiêu được xác định rõ ràng, đầy đủ, cụ thể và chính xác giúp giáo viên lựa chọn và sắp xếp nội dung bài giảng cho phù hợp.

Mục tiêu bài giảng định hướng cho các bước tiếp theo trong kế hoạch bài dạy; dựa trên mục tiêu mà lựa chọn nội dung, phương pháp và hình thức tổ chức dạy học để bài giảng có kết quả tốt nhất. 

Mục tiêu bài giảng là cơ sở để giáo viên xây dựng các câu hỏi, bài kiểm tra và các hình thức kiểm tra để đánh giá được tình trạng nhận thức của người học, đo lường năng lực của học sinh sau tiết giảng hay học phần môn học; là căn cứ để giáo viên đánh giá được sự tiến bộ của học sinh đến mức nào theo chuẩn đã định.

Tạo niềm say mê, hứng thú nghề nghiệp và tinh thần trách nhiệm trong quá trình dạy học.

2.2. Đối với người học

Người học nắm được mục tiêu bài giảng mà giáo viên đặt ra sẽ tự xác định cái đích mà mình cần hướng tới trong quá trình học môn học, bài học, tiết học,…Từ đó, người học biết lựa chọn tài liệu học tập, cách học, tự tổ chức quá trình học tập của bản thân theo một định hướng rõ rang nhằm đạt được các mục tiêu đã đề ra.

Người học biết được cái chuẩn để tự so sánh, đánh giá được sự tiến bộ của bản thân trong việc học tập.

Thực hiện được mục tiêu bài giảng sẽ phát triển ở người học các năng lực trí tuệ, các phẩm chất tư duy, các kĩ năng hành động, hình thành thái độ và cả niềm say mê đối với môn học. 

3. Yêu cầu đối với mục tiêu bài giảng

Mục tiêu bài giảng phải được diễn đạt theo yêu cầu của người học chứ không phải chức năng của người dạy.

Mục tiêu bài giảng phải thích đáng (quan trọng, thiết thực, phù hợp), khả thi (có thể thực hiện được) hay nói cách khác, khi thiết kế mục tiêu bài học phải đảm bảo Quy tắc “SMART”

S (Specific)                                       Cụ thể

M (Measurable)                                Đo được

A (Attainable/Achievable)                 Đạt được

R (Relevant)                                      Thực tế/ phù hợp

T (Time-Bound)                               Giới hạn về thời gian

Mục tiêu bài giảng  phải được diễn đạt bằng một động từ hành động đơn nghĩa (dễ hiểu và hiểu thống nhất như nhau) và tập trung vào kết quả:

-  Kết quả mong đợi phải được diễn tả dưới dạng hành vi có thể quan sát thấy được (có khả năng đo lường được);

- Xác định được hoàn cảnh hành vi sẽ diễn ra: thời gian, điều kiện thực hiện;

- Phải phù hợp với đối tượng người học (đặc điểm tâm sinh lý, trình độ hiện có của người học).

4. Kỹ thuật viết mục tiêu bài giảng

Mục tiêu bài giảng bao gồm: Kiến thức, kỹ năng, thái độ.

Mục tiêu bài giảng phải viết dưới góc độ người học và bắt đầu bằng một động từ hành động tương ứng với các cấp độ nắm vững kiến thức và có bổ ngữ làm rõ nghĩa cho động từ đó. Không nên sử dụng các động từ chung chung không đo đạc được để viết mục tiêu như­: nắm được, hiểu được, biết được, hiểu rõ, nắm vững, có khả năng, suy nghĩ, có kiến thức, trang bị cho học sinh…

Mở đầu mục tiêu bài giảng bao giờ cũng là “Sau khi học xong bài giảng (bài dạy), người học có khả năng về “kiến thức”, “kỹ năng”, “thái độ”.

4.1. Kiến thức

Là “Thông tin được chứa trong não”. Các thông tin này có thể bao gồm: Sự kiện thực tế; khái niệm; nguyên lý; quy trình; quá trình; cấu trúc v.v...

- Mục tiêu bài giảng theo B.J.Bloom đề xuất như sau: Nhận biết, thông hiểu, vận dụng, phân tích, tổng hợp, đánh giá. Từ đó  khi viết mục tiêu về kiến thức có thể sử dụng các động từ phù hợp với từng mức độ về kiến thức như sau:

Trình độ

Định nghĩa

Sự thực hiện để đánh giá

1. Biết

- Nhận lại được sự kiện.

- Nhận biết được sự vật.

Ví dụ: Có thể nhắc lại được 6 bước trong quy trình khởi động la bàn con quay.

Sự thực hiện: Nhắc lại, ghi chép lại, liệt kê, nhớ lại, gọi tên,...

2. Thông hiểu

Trình bày được nội dung các sự kiện, tính chất đặc trưng của sự vật.

Ví dụ: Mô tả được Sơ đồ bố trí các khối của radar hàng hải.

Sự thực hiện: Mô tả, giải thích, diễn đạt, báo cáo, sắp xếp, tính toán...

3. Vận dụng

- Vận dụng một kiến thức để hiểu một kiến thức khác phức tạp hơn.

- Vận dụng trường hợp chung vào trường hợp riêng.

Ví dụ: Vận dụng hiệu ứng Doppler  để thuyết minh nguyên lý làm việc của máy đo tốc độ Doppler.

Sự thực hiện : Thể hiện, ứng dụng, trình diễn, minh hoạ, bố trí...

4. Phân tích

Vận dụng các nguyên lý để tìm hiểu, nhận thức các sự kiện, sự việc, trường hợp riêng.

Ví dụ: Phân tích mạch điện của một máy thu thanh.

Sự thực hiện: Phân tích, phân hoá, phân loại, đánh giá, so sánh, tính toán...

5. Tổng hợp

Vận dụng các nguyên lý vào các trường hợp riêng lẻ để trình bày 1 kết luận chung hoặc 1 giải pháp mới.

Ví dụ: Tổng hợp các số liệu để viết một báo cáo hoặc lập Kế hoạch chuyến đi biển...

Sự thực hiện: Soạn thảo, tổng kết, lập kế hoạch, thiết kế, bố trí, thiết lập...

6. Đánh giá

Vận dụng các nguyên lý để phân tích, tìm hiểu và so sánh một giải pháp( kết cấu, quy trình...) với các giải pháp khác đã biết.

Ví dụ: Đánh giá một phương án thiết kế, một kế hoạch, một kết cấu máy...

Sự thực hiện: Đánh giá, xếp hạng, so sánh, chọn lựa, định giá, cho điểm.

4.2. Kỹ năng

Là:"Hoạt động quan sát được và những phản ứng mà một người thực hiện nhằm đạt được mục đích". Theo Harrow có 5 mức độ hình thành kĩ năng và cấu trúc gồm: “Điều kiện”, “Sự thực hiện”, “Tiêu chuẩn đánh giá”. Cụ thể:

Trình độ

Định nghĩa

Sự thực hiện để đánh giá

1. Bắt chước

Quan sát và làm rập khuôn được.

Làm theo được.

Ví dụ: Tháo lắp được quạt máy theo sự hướng dẫn của giáo viên hoặc giáo trình.

2. Làm được

Biết cách làm và tự làm được.

Hoàn thành được công việc nhưng với sai sót nhỏ, chuẩn thấp.

Ví dụ: Đấu được khuyết dây cáp kiểu 3.3 hoa đơn những chưa thành thạo, còn cần thầy ngồi kèm.

3. Chính xác

Thực hiện một cách chính xác

Hoàn thành được công việc không có sai sót, đạt chuẩn quy định.

Ví dụ: Đấu được khuyết dây cáp kiểu 3.3 hoa đơn đúng kỹ thuật và đảm bảo thời gian.

4. Phối hợp

Thực hiện một cách chính xác công việc và có phần sáng tạo.

Hoàn thành được công việc đạt chuẩn

Ví dụ: Cập được tàu vào cầu đúng vị trí và an toàn.

5. Thuần thục

 

Thực hiện công việc chính xác với tốc độ cao, thuần thục.

Hoàn thành công việc một cách thuần thục đạt vượt chuẩn.

Ví dụ: Tránh va kịp thời khi gặp chướng ngại đột xuất.

          Giáo viên cần xác định rõ người học đạt được các kỹ năng gì sau khi học xong bài giảng. Cần sử dụng các động từ để mô tả mức kỹ năng cần đạt được từ đơn giản đến phức tạp.

          4.3. Thái độ

Là “Cảm nhận của con người và ứng xử của họ đối với một công việc, những thái độ biểu hiện có thể có tính chất cá nhân (thói quen) hoặc hành vi liên cá nhân”. Có 2 loại thái độ: Thái độ không quan sát được và thái độ quan sát được.

Các mức độ về thái độ:

Mức độ

Định nghĩa

Sự thực hiện để đánh giá

1. Tiếp nhận

Lắng nghe.

Ví dụ: Lắng nghe về an toàn điện.

2. Đáp ứng

Lắng nghe và có phản ứng để hiểu rõ; chấp hành.

Ví dụ: Chấp hành về quy định an toàn điện.

3. Đánh giá thừa nhận

Lắng nghe và có phản ứng với quan điểm của mình.

Ví dụ: Lắng nghe giảng về an toàn điện và thừa nhận bảo vệ an toàn lao động là cần thiết.

4. Tổ chức thực hiện

Đưa ra các quan điểm về chính mình.

Ví dụ: Công nhận các tình huống về an toàn điện và cam kết thực hiện.

5. Đặc trưng hoá

Thực hiện tốt các đặc trưng thực tế với hoàn cảnh của chính mình một cách tự giác.

Ví dụ: Thường xuyên có ý thức thực hiện trong điều kiện thực tế một cách đúng đắn.

          Giáo viên cần xác định rõ người học có thái độ như thế nào sau khi học xong bài giảng. Cần sử dụng các cụm từ để diễn tả như: qua tiết giảng hình thành được đức tính cẩn thận, trung thực, kiên trì, ý thức trách nhiệm trong công việc, ý thức và đạo đức nghề nghiệp, đoàn kết, nhận thức được, tôn trọng, chấp nhận, đồng tình, ủng hộ. yêu thích, phê phán, bác bỏ, hợp tác, phán xử, tuân thủ, thay đổi, hợp nhất, sửa đổi, tin tưởng, nghiêm túc, chủ động đề xuất, biết tiết kiệm, đảm bảo an toàn, phối hợp…

            Tóm lại, một bài giảng thành công phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố, trong đó khâu chuẩn bị giáo án lên lớp là hết sức quan trọng. Mục tiêu bài giảng tuy không phải là phần trọng tâm của một giáo án lên lớp, nó không lộ diện trong giờ lên lớp nhưng đó chính là “đích” cuối cùng mà thầy trò đều phải hướng tới và đạt được; nó là cơ sở để giáo viên có những phương pháp giảng dạy phù hợp với từng bài giảng, từng đối tượng để làm nên thành công của tiết dạy.Vì thế, khi bắt tay vào công việc soạn giáo án giáo viên cần phải xác định đúng, cụ thể  và rõ ràng mục tiêu bài giảng.

Hy vọng với sự chia sẻ này sẽ là một nguồn thông tin hữu ích cho các thầy cô tham khảo khi viết mục tiêu bài giảng để từng bước hoàn thiện và nâng cao kỹ thuật viết mục tiêu bài giảng và kỹ năng soạn giáo án./.

Tài liệu tham khảo:

  • Đào tạo nghề theo năng lực thực hiện (Tài liệu tập huấn) – Tổng cục Dạy nghề; Hà Nội 2008;
  • Nghiệp vụ sư phạm dạy nghề (Tập bài giảng) - Khoa Sư phạm – Đại học sư phạm kỹ thuật Nam Định – 2014;

          Tác giả Ths.Lương Quang Trung – Trưởng phòng Đào tạo, Trường Cao đẳng Hàng hải I

Lượt truy cập:
Trực tuyến: ...