Nghiên cứu Khoa học > Tin tức
BÀN LUẬN VỀ BÀI DẠY LÝ THUYẾT, THỰC HÀNH VÀ TÍCH HỢP (30/08/2015)
...

Mỗi phương pháp dạy học được áp dụng cho mỗi dạng bài dạy học khác nhau, vì vậy để giáo viên biên soạn giáo án, lựa chọn phương pháp dạy và thực hiện bài học hiệu quả cần phải nhận diện các loại bài dạy trong dạy nghề. Dưới đây là một số dạng bài học đặc trưng cho dạy lý thuyết, thực hành và tích hợp.

1. Bài dạy lý thuyết nghề.

1.1. Bài dạy khái niệm.

- Mục đích của dạy khái niệm là giúp học sinh nhận biết và phân biệt các sự vật hiện tượng mà khái niệm phản ánh trong thực tế. Tuy nhiên, để nhận biết và phân biệt các sự vật, hiện tượng mà khái niệm phản ánh trong thực tiễn thì học sinh phải dựa vào dấu hiệu cơ bản khác biệt của khái niệm. Để học được khái niệm học sinh phải tiến hành đồng thời một loạt các hoạt động như: Hoạt động phân tích, so sánh, trừu tượng hóa, khái quát hóa, luyện tập.

- Để thiết kế phương pháp dạy học bài khái niệm giáo viên có thể đi theo hai con đường quy nạp hoặc diễn dịch:

+ Sử dụng phương pháp quy nạp là giáo viên hướng dẫn học sinh nghiên cứu các dấu hiệu cơ bản khác biệt của các sự vật hiện tượng (các ví dụ để khái quát hóa thành khái niệm).

+ Sử dụng phương pháp diễn dịch giáo viên sẽ hướng dẫn học sinh nghiên cứu các khái niệm để tìm ra dấu hiệu bản chất (các ví dụ để minh họa và làm sáng tỏ khái niệm).

1.2. Bài dạy cấu tạo thiết bị kỹ thuật.

- Mục đích của dạy cấu tạo giúp học sinh nhận thức đúng về cấu trúc, chức năng và mối quan hệ của thành phần, bộ phận của đối tượng, từ đó góp phần hình thành năng lực chuẩn đoán về tình trạng hoạt động của đối tượng để hoạt động bảo dưỡng, sửa chữa hay thiết kế có hiệu quả.

- Thiết kế phương pháp dạy học bài cấu tạo thiết bị kỹ thuật có thể sử dụng vật thật, mô hình, tranh vẽ phóng to hoặc phim chiếu kết hợp với phân tích giảng giải của giáo viên sẽ có tác dụng hướng dẫn học sinh quan sát, nêu nhận xét, phân tích và rút ra kết luận. Các hình thức dạy có thể là đàm thoại tìm kiếm, giảng thuật hoặc chia nhóm, tổ để thảo luận.

1.3. Bài dạy nguyên lý kỹ thuật.

- Mục đích của dạy nguyên lý hoạt động hay nguyên lý làm việc đều có điểm chung là giúp học sinh nhận thức rõ về sự hoạt động của đối tượng diễn ra như thế nào, nhằm thực hiện nhiệm vụ gì và tạo sản phẩm ra sao. Dạy nguyên lý là nội dung điển hình trong dạy học kỹ thuật. Kết quả nhận thức về nguyên lý là điểm tựa quan trọng đối với việc sử dụng các đối tượng kỹ thuật. Phương pháp dạy học chủ đạo áp dụng trong dạy học nguyên lý làm việc hay nguyên lý hoạt động là trực quan và phân tích.

- Thiết kế phương pháp dạy học bài lý hoạt động của thiết bị kỹ thuật thường trừu tượng, nên thiết bị trực quan ở đây có thể dùng sơ đồ, hình vẽ và mô phỏng động trên máy tính.

1.4. Bài dạy vật liệu kỹ thuật.

- Mục đích của dạy vật liệu kỹ thuật giúp học sinh nhận biết tính chất, phạm vi sử dụng của các loại vật liệu,tưừ  đó học sinh lựa chọn và sử dụng vật liệu an toàn và phù hợp với từng hoàn cảnh, tình huống cụ thể nhằm phát huy tối đa tính năng của vật liệu, tránh tình trạng lãng phí. Dạy nội dung vật liệu kỹ thuật để học sinh nhận thức về sự giống nhau và khác nhau giữa các đối tượng trong một nhóm hay trong một lớp đối tượng.

- Thiết kế phương pháp dạy học bài vật liệu kỹ thuật sẽ hiệu quả hơn nếu học sinh được tiến hành các thí nghiệm, quan sát, phân tích, thử nghiệm để phát hiện thành phần hóa học và tính chất vật lý của từng vật liệu.

1.2. Bài dạy thực hành nghề.

1.2.1. Bài dạy thiết kế/ chế tạo.

- Mục đích của dạy thiết kế chế tạo kỹ thuật nhằm hình thành và phát triển ở học sinh khả năng phân tích thực tế và óc sáng tạo trong hoạt động kỹ thuật, năng khiếu tạo hình, óc thẩm mỹ, sự kiên trì, bền bỉ. Bài học thiết kế ngoài yêu cầu về kiến thức và kỹ năng về chuyên môn đòi hỏi học sinh phải có kinh nghiệm thực tế, tư duy kinh tế, sự hiểu biết về xã hội.

- Thiết kế bài dạy thiết kế, chế tạo kỹ thuật giáo viên đươc thực hiện theo các bước:

+ Nêu ra các tình huồng học tập có chứa đựng nhiệm vụ thiết kế;

+ Tổ chức để học sinh phân tích các thông tin của việc thiết kế chế tạo;

+ Hướng dẫn học sinh sàng lọc các thông tin, ý tưởng thiết kế;

+ Hướng dẫn triển khai thực hiện các ý tưởng thông qua các bài tập dự án;

+ Hướng dẫn học sinh tự đánh giá sản phẩm.

1.2.2. Bài dạy kiểm tra giám định máy móc, thiết bị.

- Mục đích của dạy kiểm tra, giám định máy móc, thiết bị là sử dụng những phương pháp nghiệp vụ và các trang thiết bị đo lường chuyên dùng để xác định sự phù hợp hay không của máy móc, thiết bị được kiểm tra so với yêu cầu về thông số kỹ thuật của nhà sản xuất quy định. Bài học này hướng đến hình thành và phát triển học sinh các kỹ năng nghề nghiệp:

+ Nhận diện chính xác các thiết bị, máy móc;

+ Đọc được các thông số của thiết bị, máy móc;

+ Thực hiện kiểm tra thường xuyên, định kỳ, đột xuất thiết bị, máy móc theo đúng quy trình kiểm tra từng loại.

- Thiết kế bài dạy kiểm tra giám định máy móc, thiết bị đươc thực hiện theo các bước:

+ Hướng dẫn học sinh nghiên cứu kiến thức liên quan;

+ Hướng dẫn học sinh lập quy trình kiểm tra;

+ Hướng dẫn học sinh thực hiện kỹ năng kiểm tra;

+ Tổ chức để học sinh kiểm tra thử theo quy trình đã thiết kế.

1.2.3. Bài dạy lắp đặt/lắp ráp và vận hành máy móc thiết bị.

- Mục đích của dạy lắp đặt, lắp ráp và vận hành máy móc thiết bị nhằm hình thành và phát triển ở học sinh các kỹ năng:

+ Nhận diện được tình huống, công việc;

+ Sử dụng thành thạo các dụng cụ, thiết bị, nguyên liệu, vật liệu chuyên dùng trong nghề;

+ Lắp đặt, lắp ráp hoặc vận hành chuẩn xác theo các quy trình hướng dẫn cho các máy móc, tổ hợp và các hệ thống cụ thể liên quan đến công việc;

+ Đánh giá với độ chính xác cao tình trạng kỹ thuật của từng cụm, chi tiết trong các máy móc tổ hợp và các hệ thống cụ thể liên quan tới công việc;

+ Rèn luyện tác phong, kỷ luật làm việc trong các điều kiện khác nhau.

- Thiết kế bài dạy lắp đặt/lắp ráp và vận hành máy móc thiết bị.

+ Tổ chức cho học sinh kiến thức liên quan đến thực hiện kỹ năng lắp đặt/lắp ráp và vận hành;

+ Hướng dẫn học sinh vẽ sơ đồ, bản vẽ lắp ráp, thiết kế các nguyên công và nghiên cứu quy trình vận hành các máy móc thiết bị;

+ Tổ chức để học sinh làm thử theo quy trình đã thiết kế;

+ Tổ chức cho học sinh luyện tập kỹ năng.

1.2.4. Bài dạy sửa chữa và bảo dưỡng máy móc thiết bị.

- Đặc trưng của việc sửa chữa, bảo dưỡng các loại máy móc, thiết bị nhằm kịp thời hạn chế, phòng ngừa những sự cố rủi ro do máy móc thiết bị gây nên làm ảnh hưởng đến kế hoạch và tiến độ sản xuất. Loại bài này hướng vào hình thành và phát triển cho học sinh một số kỹ năng sau:

+ Nhận diện được tình huống công việc;

+ Xác định được nguyên nhân gây hư hỏng;

+ Đề xuất các phương án khắc phục và lựa chọn được phương án hợp lý;

+ Bảo dưỡng, sửa chữa đúng quy trình máy móc, kỹ thuật;

+ Vận hành, chạy thử;

+ Rèn luyện tác phong lao động công nghiệp, đảm bảo an toàn lao động.

- Thiết kế bài dạy bảo dưỡng, sửa chữa máy móc thiết bị.

+ Nêu vấn đề: Giáo viên thông báo cho học sinh tình huống, nghề ngiệp chứa đựng nhiệm vụ sửa chữa, bảo dưỡng các đối tượng kỹ thuật mà học sinh giải quyết.

+ Phát biểu vấn đề: Vấn đề được phát biểu dưới dạng các nhiệm vụ, công việc học tập và được tuyên bố cho học sinh đầy đủ và sâu sắc về nhiệm vụ cụ thể, nội dung công việc yêu cầu.

+ Giải quyết vấn đề: Hướng dẫn học sinh lập kế hoạch sửa chữa bảo dưỡng; Chuẩn bị dụng cụ; tổ chức nghiên cứu kiến thức liên quan; hướng dẫn thực hiện sửa chữa bảo dưỡng; tổ chức luyện tập kỹ năng.

+ Kết thúc vấn đề: Sản phẩm của học sinh được nhận xét đánh giá rút kinh nghiệm các thao tác trong sửa chữa, bảo dưỡng.

1.3. Bài dạy tích hợp.

Để nhận diện các bài dạy tích hợp phải thông qua hoạt động phân tích nghề. Hoạt động phân tích nghề được các nhà thiết kế chương trình xây dựng, ở đây giáo viên chỉ lựa chọn trong sơ đồ phân tích nghề ứng với mỗi công việc (Task) được xác định trong nghề là tên một bài giảng tích hợp.

            Các bài dạy tích hợp tập trung hướng đến hình thành các năng lực, phần lý thuyết trong bài dạy là kiến thức lý thuyết mới, phục vụ cho việc thực hành kỹ năng.

            Một vài đặc điểm của bài giảng tích hợp để giáo viên có thể nhận biết:

            - Bắt đầu là động từ hành động, mô tả chính xác thuật ngữ chỉ sự thực hiện (có thể nhận biết bằng 5 giác quan và thực hiện được).

            - Tương đương với một công việc, một nhiệm vụ trong thực tế sản xuất.

            - Ngắn gọn, súc tích, rõ nghĩa khoảng từ 4 - 6 từ, thường tối đa 10 từ.

 

Khoa Điện – Điện tử, trường Cao đẳng Hàng hải I

 


Bạn đã tốt nghiệp tại Cao Đẳng Hàng Hải I và hiện đang:
 Làm việc đúng chuyên ngành
 Tìm việc
 Làm việc không đúng chuyên ngành
 Chờ học tiếp
Biểu quyết Xem kết quả
OnlineOnline
TotalTotal