Nghiên cứu Khoa học > Tin tức
MỘT VÀI Ý KIẾN ĐÓNG GÓP VỀ DỰ THẢO BỘ LUẬT HÌNH SỰ (SỬA ĐỔI) (25/09/2015)
...

Dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi) gồm 443 điều (tăng 99 điều so với BLHS hiện hành), trong đó giữ nguyên nội dung 43 điều, bãi bỏ 06 điều, bổ sung mới 68 điều và sửa đổi 329 điều (trong đó có 51 điều được tách ra từ 20 điều của BLHS hiện hành).

Nhìn chung dự thảo Bộ luật Hình sự tương đối bao quát các lĩnh vực của đời sống xã hội, phù hợp với quan điểm, đường lối, chính sách, cũng như chủ trương cải cách tư pháp của Đảng, góp phần bảo vệ quyền con người, quyền công dân, nhất là quyền an sinh xã hội, quyền sống, làm việc và học tập trong môi trường an toàn, lành mạnh, văn minh.

Việc sửa đổi Bộ luật Hình sự còn góp phần đảm bảo sự phù hợp với Hiến pháp, tạo ra cơ chế hữu hiệu để bảo vệ chế độ, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, các tổ chức, cá nhân; góp phần bảo vệ trật tự, an toàn xã hội, thúc đẩy sự phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; đồng thời hướng tới sự thống nhất, đồng bộ với các luật, bộ luật đã được ban hành hay các luật, dự luật đang được sửa đổi, bổ sung, ban hành mới.

Đặc biệt việc sửa đổi Bộ luật Hình sự phù hợp với các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, nhất là phù hợp với xu thế chung của các nước trong khu vực, và trên thế giới đảm bảo các nguyên tắc về nhân quyền, dân chủ mà Việt Nam đã cam kết trong Công ước Quốc tế.

Tuy nhiên, một số vấn đề còn đang có nhiều ý kiến tranh luận mang tính trái chiều. Với tư cách là một giảng viên dạy môn học pháp luật trong Trường Cao đẳng Hàng hải I, tôi đã tập trung nghiên cứu, trao đổi cùng các đồng nghiệp và có một vài ý kiến góp ý về dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi):          

Thứ nhất: Không nên quy định trách nhiệm hình sự (TNHS) của pháp nhân, bởi vì:

TNHS của pháp nhân không loại trừ TNHS của cá nhân. Những người đứng đầu pháp nhân cũng phải chịu TNHS như pháp nhân. Lỗi của pháp nhân là lỗi của cá nhân, cá nhân thực hiện hành vi vi phạm pháp luật hình sự trên cơ sở thực hiện sự chỉ đạo, điều hành hoặc chấp thuận của pháp nhân và vì lợi ích của pháp nhân.

Mặt khác, việc xử lý pháp nhân dù là hành chính hay hình sự thì cũng phải cân nhắc thận trọng đến quyền, lợi ích chính đáng của người lao động. Nếu tước giấy phép hoạt động hoặc chỉ tạm đình chỉ, đình chỉ hoạt động sản xuất, kinh doanh của pháp nhân thì người phải gánh chịu hậu quả đầu tiên là người lao động chứ không phải là pháp nhân. Chính vì vậy các quốc gia quy định trách nhiệm hình sự của pháp nhân hầu như không áp dụng trên thực tế các hình phạt này.

Thứ hai: Không nên quy định trục xuất là hình phạt chính, bởi vì:

Người nước ngoài, người không quốc tịch vi phạm pháp luật hình sự Việt Nam cũng phải bị xét xử như công dân Việt Nam và phù hợp với các điều ước quốc tế mà Việt Nam đã ký kết. Ngoài ra, người phạm tội có thể bị trục xuất ra khỏi lãnh thổ Việt Nam. Vì vậy, hình phạt trục xuất nên quy định là hình phạt bổ sung (theo Đ32 – Khoản 2 –điểm g).

Thứ 3:  Về việc bãi bỏ một số tội phạm và bổ sung một số tội phạm mới nhằm bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ, thúc đẩy nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và thực hiện chủ trương hội nhập quốc tế. 

Về cơ bản việc dự kiến bổ sung các tội danh mới (37 tội danh) là tương đối bao quát các lĩnh vực của đời sống xã hội, kịp thời hướng tới các vấn đề nóng, các loại tội phạm mới nảy sinh, xảy ra thường xuyên với nhiều thủ đoạn tinh vi như: tội rải đinh hoặc vật sắc nhọn trên đường bộ (Điều 270); tội gian lận bảo hiểm y tế (Điều 219); tội thiết lập, quản trị, điều hành website để kinh doanh trái phép tiền điện tử, dịch vụ, hàng hóa trên mạng máy tính (Điều 306)...

Tuy nhiên, tại Điều 303: Tội cố ý gây nhiễu có hại (mới) nên quy định cụ thể, rõ ràng bằng cách bổ sung thêm từ (ví dụ: “Tội cố ý gây nhiễu sóng vô tuyến điện” cho tường minh, người dân dễ hiểu, dễ thực hiện khi vận dụng các quy định của pháp luật.

Trên đây là một vài ý kiến đóng góp về dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi) qua đó góp phần nâng cao hơn trình độ chuyên môn, cũng như sự hiểu biết về pháp luật hiện hành, đồng thời giúp các em học sinh, sinh viên và cán bộ, viên chức, người lao động trong Nhà trường tiếp cận gần hơn Bộ luật hình sự nói riêng và pháp luật Việt Nam nói chung.

(Th.s Trần Thị Lan Hương - Khoa Cơ bản - Trường Cao đẳng Hàng hải I)

Bạn đã tốt nghiệp tại Cao Đẳng Hàng Hải I và hiện đang:
 Làm việc đúng chuyên ngành
 Tìm việc
 Làm việc không đúng chuyên ngành
 Chờ học tiếp
Biểu quyết Xem kết quả
OnlineOnline
TotalTotal