Nghiên cứu Khoa học > Tin tức
Hoạt động nghiên cứu khoa học ở trường CĐHH I, thực trạng và giải pháp  (16/03/2014)
Tóm tắt     Trong các trường đại học, cao đẳng hoạt động nghiên cứu khoa học luôn song hành với hoạt động đào tạo. Hai hoạt động...

Tóm tắt

    Trong các trường đại học, cao đẳng hoạt động nghiên cứu khoa học luôn song hành với hoạt động đào tạo. Hai hoạt động này có mối quan hệ tương tác và gắn bó hữu cơ với nhau. Tuy nhiên, trong thực tế mảng hoạt động nghiên cứu khoa học trong các trường đại học, cao đẳng khá mờ nhạt. Vì vậy, chất lượng đào tạo lẫn sản phẩm khoa học có giá trị chưa đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước và hội nhập quốc tế. Thực tế đó đã và đang đặt ra cho giáo dục đại học Việt Nam nói chung và Trường Cao đẳng Hàng hải I nói riêng cần phải áp dụng đồng bộ các giải pháp, nhanh chóng khắc phục tồn tại, yếu kém vì mục tiêu nâng chất lượng nguồn nhân lực ngang tầm trình độ khu vực và quốc tế.

Đặt vấn đề

    Ngày nay, quá trình toàn cầu hóa đang tạo ra sự cạnh tranh quyết liệt về chất lượng nguồn nhân lực giữa các quốc gia. Việt nam là một quốc gia đang phát triển, trước yêu cầu xây dựng đất nước và hội nhập quốc tế, một thách thức không nhỏ và cần phải vượt qua liên quan đến yếu tố con người - yếu tố quyết định sự thành công của sự nghiệp CNH-HĐH đất nước đó là nguồn nhân lực chất lượng cao. Thách thức hiện diễn ra ở tất cả các bộ ngành, địa phương và trong tất cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội.

    Ở các trường đại học, cao đẳng luôn song hành hai hoạt động giảng dạy và nghiên cứu khoa học hai hoạt động này bổ trợ cho nhau. Không thực hiện tốt hoạt động khoa học thì không thể nói đến chất lượng đào tạo cao, trong khi chất lượng đào tạo quyết định sự tồn tại và phát triển của mỗi trường. Tham gia hoạt động nghiên cứu khoa học (HĐNCKH) vừa là tiêu chuẩn vừa là nhiệm vụ đối với mỗi giảng viên. Vì vậy,  hoạt động này có vai trò, ý nghĩa rất quan trọng đối với cả nhà trường và giảng viên.

1. Đối với Nhà trường

    - Uy tín thương hiệu của Nhà trường chỉ có được khi chất lượng đào tạo được xã hội thừa nhận mà yếu tố quyết định chính là chất lượng đội ngũ. Không thể có giảng viên có giảng bài hay do có kiến thức sâu, rộng và tính thực tiễn mà không dành trí tuệ, tâm huyết để nghiên cứu, soạn giảng như thực hiện một đề tài nghiên cứu khoa học;

    - Con đường ngắn và tiết kiệm nhất để nâng cao chất lượng đội ngũ chính là đẩy mạnh các HĐNCKH trong nhà trường;

    - Khi uy tín thương hiệu đã được xã hội thừa nhận thông qua chất lượng đào tạo thì nhà trường không chỉ thuận lợi trong tuyển sinh đầu vào mà cơ hội việc làm cho sinh viên sau tốt nghiệp cũng tăng cao. Điều kiện để tăng cường quan hệ hợp tác, liên kết quốc tế về đào tạo và nghiên cứu khoa học cũng sẽ được mở rộng;

    - Đẩy mạnh HĐNCKH đi đôi với nghiên cứu phát triển công nghệ là thiết thực gắn đào tạo với thực tế sản xuất, gắn học với hành đồng thời tạo thêm nguồn thu cho đầu tư phát triển và nâng cao chất lượng cuộc sống cho CBVC-LĐ;

    - Kết quả HĐNCKH của nhà trường là một tiêu chuẩn quan trọng trong kiểm định chất lượng đào tạo theo quy định của Bộ GD&ĐT để xếp loại nhà trường. Nếu không thực hiện nghiêm túc tiêu chuẩn này sẽ ảnh hưởng xấu đến uy tín, thương hiệu nhà trường với xã hội.

2. Đối với giảng viên

    - Trong nhà trường nhiệm vụ của người thầy là truyền thụ kiến thức mới cho người học nên trước tiên thầy phải nghiên cứu, tìm tòi để hiểu biết sâu sắc, đầy đủ về vấn đề mà mình định thuyết giảng sau đó thầy phải tìm ra phương pháp tối ưu để giúp họ tiếp thu tốt. Như vậy, một bài giảng hay, là kết quả của một quá tình nghiên cứu nghiêm túc và công phu. Thông qua HĐNCKH giúp cho giảng viên tự tin hơn trong công việc và cuộc sống vì đã tự khẳng định mình với đồng nghiệp, với người học và xã hội;

    - Tham gia HĐNCKH là cách tự bồi dưỡng tốt nhất để giảng viên nâng cao trình độ. Thông qua HĐNCKH mỗi giảng viên nhận ra hạn chế vốn tri thức của mình để kịp thời khắc phục, bổ sung, hoàn thiện;

    - Với sự phát triển nhanh chóng của khoa học công nghệ, kiến thức đã có sẽ nhanh chóng trở nên lạc hậu, chỉ có thông qua HĐNCKH mới bắt buộc giảng viên tự tìm tòi, cập nhật kiến thức mới và tích lũy kinh nghiệm thực tiễn, khi đó sản phẩm có được là các bài giảng chất lượng cao, tài liệu giảng dạy, sách giáo khoa chuyên ngành hoặc các công trình, bài báo khoa học…;

    - HĐNCKH khơi dậy và thắp lên trong giảng viên đặc biệt là giảng viên trẻ sự đam mê tìm tòi, nghiên cứu và thông qua hoạt động sáng tạo họ trở nên tâm huyết và gắn bó hơn với “sự nghiệp trồng người”.

Thực trạng HĐNCKH ở Trường Cao đẳng hàng hải I

    Tháng 2/2007 Trường Cao đẳng Hàng hải được thành lập trên cơ sở nâng cấp Trường Trung học hàng hải I. Từ đó, hoạt động của nhà trường hòa vào dòng chảy của hệ giáo dục đại học. Đội ngũ cán bộ khoa học hiện có: 275 người, trong đó: 01 tiến sĩ, chiếm 0,36%; 85 thạc sĩ và cao học, chiếm 30,9%; 189 kỹ sư và cử nhân, chiếm 68,7 %. Đặc biệt số giảng viên trẻ độ tuổi dưới 35 có 186 người, chiếm tới 67,6%. Đây là lực lượng cán bộ khoa học, năng động, tiếp thu nhanh cái mới, khao khát sáng tạo và cống hiến, rất thuận lợi cho Nhà trường đẩy mạnh HĐNCKH.

    Nhận thức vai trò, ý nghĩa của to lớn của HĐNCKH trong nhà trường, ngay từ khi còn đào tạo hệ trung cấp, lãnh đạo nhà trường đã đặc biệt quan tâm xây dựng đội ngũ. Nhờ đó, từ năm 2008 đến nay giảng viên nhà trường đã tham gia thực hiện 06 đề tài khoa học cấp Bộ, 36 đề tài cấp Trường, nhiều đề án, dự án. Các đề tài, đề án, dự án đã kịp thời đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng đào tạo-huấn luyện, quản lý nhà trường, giải quyết một số vấn đề của ngành nên được Hội đồng khoa học các cấp đánh giá: có tính ứng dụng cao, mang lại hiệu quả thiết thực. Về HĐNCKH trong HSSV, bước đầu nhà trường tạo điều kiện và khuyến khích các em tham gia sân chơi khoa học thông qua cuộc thi Robocon và là đơn vị trường của Hải Phòng ba năm liền lọt vào vòng hai của cuộc thi. Bên cạnh việc xây dựng đội ngũ từ năm 2009 đến nay nhà trường đã quan tâm đầu tư 04 phòng thí nghiệm dành cho nghiên cứu khoa học và hỗ trợ đào tạo. Đó là “Phòng thí nghiệm Điện- Điện tử - Tự động hóa”; “Phòng thí nghiệm Cơ-Thủy-Khí”; “Phòng thí nghiệm Kiểm tra, kiểm định không phá hủy và Chẩn đoán kỹ thuật”; năm 2013 nhà trường tiếp tục đầu tư “Phòng Nghiên cứu thiết kế và Phát triển công nghệ”. Đó là cơ sở hạ tầng kỹ thuật quan trọng để đẩy mạnh HĐNCKH của nhà trường trong thời gian tới.

    Tuy nhiên, kết quả HĐNCKH của nhà trường còn khá khiêm tốn so với tiềm năng. Số đề tài khoa học công nghệ thực hiện chưa nhiều, ít các đề tài nghiên cứu cấp Bộ, cấp thành phố. Các đề tài đã thực hiện, một số hàm lượng khoa học và tính ứng dụng chưa cao. Các hoạt động khoa học khác còn ít cả về số lượng, nội dung lẫn hình thức. Đây là những trăn trở của lãnh  đạo nhà trường cho mục tiêu phát triển. Tiềm năng và cơ hội HĐNCKH rất nhiều, làm thế nào để khai thác tiềm năng, tạo cơ hội, phát huy năng lực, sự đam mê của đội ngũ cán bộ khoa học đông đảo. Vì vậy, việc nghiên cứu thực trạng chỉ rõ các nguyên nhân khách quan, chủ quan, đề ra giải pháp sát đúng, phù hợp vừa giải quyết vấn đề trước mắt vừa định hướng đẩy mạnh HĐNCKH trong nhà trường về lâu dài trở nên cấp thiết.

    Kết quả HĐNCKH của nhà trường còn hạn chế nêu trên là do thiếu một không gian thực sự, tạo động lực cho HĐNCKH phát triển bởi các nguyên nhân sau:

    - Khối lượng lên lớp giảng viên phải thực hiện hàng năm khá lớn cộng với các hoạt động thường xuyên khác trong nhà trường nên giảng viên không còn thời gian dành cho nghiên cứu khoa học;

    - Thu nhập từ lương của giảng viên không đủ cho nhu cầu chi sinh hoạt hàng ngày nên giảng viên phải tự cân đối bằng cách dạy thêm trong trường, ngoài trường hoặc tham gia các hoạt động có thu khác để bù đắp khoản thiếu hụt;

    - Nhà trường chưa có các chính sách tạo động lực khích lệ giảng viên phát triển ý tưởng và bản lĩnh trong nghiên cứu khoa học;

    - Số lượng giảng viên khá đông đảo, đặc biệt là giảng viên trẻ song kỹ năng nghiên cứu khoa học còn hạn chế dẫn đến thiếu tự tin và mạnh dạn nên trong thực tế thế mạnh này còn ở dạng tiềm năng;

    - Năng lực cán bộ phòng chức năng chưa đáp ứng yêu cầu, Kỹ năng hoạt động khoa học lẫn kỹ năng quản lý khoa học hạn chế, chưa chủ động tham mưu cho lãnh đạo triển khai các giải pháp thúc đẩy và quản lý các HĐNCKH;

    - Đa số giảng viên chưa nhận thức đầy đủ nghĩa vụ và trách nhiệm tham gia HĐNCKH. Chưa ý thức được vai trò của HĐNCKH đối với sự phát triển nhà trường;

    - Việc bình xét danh hiệu thi đua hàng năm còn theo kiểu dàn hàng ngang, chưa có hình thức xử lý giảng viên không hoàn thành nhiệm vụ HĐNCKH hàng năm đồng thời tôn vinh, khen thưởng kịp thời, thỏa đáng các tập thể và cá nhân có đóng góp tích cực trong HĐNCKH;

    - Công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ khoa học hàng năm chưa bám sát chiến lược lâu dài đặc biệt cán bộ khoa học giữ vai trò đầu tàu cho các chuyên ngành;

    - Cơ sở vật chất đầu tư cho nghiên cứu khoa học trong thời gian qua khá cơ bản, hiện đại song chưa đồng bộ với chất lượng đội ngũ nên hiệu quả khai thác thấp, không đạt kết quả như kỳ vọng;

    - Thủ tục thanh toán các hợp đồng khoa học công nghệ còn quá phức tạp gây tâm lý ngại thực hiện nhiệm vụ khoa học trong giảng viên;

    - HĐNCKH trong HSSV còn mang tính phong trào vì người thầy có vai trò vô cùng quan trọng trong HĐNCKH của sinh viên giúp gợi mở vấn đề, hướng giải quyết, rèn luyện kỹ năng tư duy, kỹ năng đọc, viết, kỹ năng phản biện, tìm và khai thác tài liệu, hướng dẫn phương pháp nghiên cứu, tư vấn, giải đáp băn khoăn, chính sửa sai sót…song hầu hết giảng viên chưa thể hiện được vai trò này.

Giải pháp

Từ thực trạng HĐNCKH của nhà trường trong những năm qua, để đẩy mạnh HĐNCKH đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững, Trường Cao đẳng Hàng hải I, đề ra các giải pháp sau:

    1. Xây dựng và triển khai kế hoạch phát triển đội ngũ cán bộ khoa học trên cơ sở chiến lược phát triển nhà trường giai đoạn 2013-2020 định hướng đến năm 2030;

    2. Thành lập các nhóm nghiên cứu chuyên ngành;

    3. Thành lập trung tâm quan hệ doanh nghiệp, tổ chức nghiên cứu nhằm trao đổi thông tin, hợp tác nghiên cứu và tiếp cận các hợp đồng nghiên cứu và khai thác các hỗ trợ cho HĐNCKH;

    4. Áp dụng chính sách vừa khuyến khích, vừa bắt buộc giảng viên tham gia HĐNCKH. Ban hành quy chế bình xét danh hiệu thi đua hàng năm gắn với nhiệm vụ tham gia HĐNCKH của cá nhân và tập thể;

    5. Quy định cụ thể hoạt động của giảng viên được coi là thực hiện nhiệm vụ khoa học hàng năm. Quy đổi giờ thực hiện nhiệm vụ HĐNCKH sang tiêu chuẩn giờ dạy phù hợp với điều kiện thực tế của nhà trường một cách linh động đồng thời khuyến khích giảng viên tham gia các HĐNCKH. Phân bổ khối lượng giảng dạy phù hợp để giảng viên có thời gian HĐNCKH;

    6.  Khuyến khích tự học nâng cao trình độ, chi trả một phần hoặc toàn bộ học phí khi nhận bằng thạc sĩ (tùy thuộc ngành học), nghiên cứu sinh; có mức thưởng thỏa đáng, linh hoạt cho giảng viên nhận bằng tiến sĩ;

    7. Khen thưởng, tôn vinh kịp thời cá nhân, đơn vị có nhiều đóng góp trong HĐKHCN, có sáng kiến khoa học tính ứng dụng cao;

    8. Quan tâm chăm lo đời sống vật chất và tinh thần, hỗ trợ thu nhập cho giảng viên trẻ (giảng viên có hệ số lương thấp, chưa được hưởng phụ cấp thâm niên);

    9. Định kỳ tập huấn nghiệp vụ NCKH cho giảng viên và HSSV;

    10. Dành nguồn kinh phí hàng năm cho đào tạo, bồi dưỡng cán bộ khoa học ở cả trong và ngoài nước đặc biệt là cán bộ đầu ngành;

    11. Định kỳ 2 năm một lần tổ chức Hội giảng để đánh giá chất lượng giảng viên và toàn bộ đội ngũ, từ đó có chính sách đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng phù hợp;

    12. Ban hành Quy định trách nhiệm bồi dưỡng, hỗ trợ giảng viên trẻ đối với các giảng viên đầu ngành thuộc các khoa, trung tâm;

    13. Tăng cường đầu tư các phòng thí nghiệm chuyên ngành theo hướng tiên tiến hiện đại và hiệu quả;

    14. Thành lập CLB sinh viên nghiên cứu khoa học;

    15. Tăng cường quan hệ chia sẻ thông tin với các tổ chức, đơn vị đi đôi với khai thác triệt để thư viện điện tử - số phục vụ nhu cầu nghiên cứu khoa học của giảng viên và HSSV;

    16. Nâng cao vai trò tư vấn, tham mưu của Hội đồng Khoa học, hỗ trợ việc lựa chọn các định hướng ưu tiên, tuyển chọn các đề tài, dự án đầu tư; tư vấn, thẩm định và đánh giá các hoạt động khoa học và công nghệ. Đề tài phải tập trung giải quyết những vấn đề đang đặt ra hoặc sắp diễn ra trong nhà trường, trong ngành, trong thành phố, trong nước, đáp ứng nhu cầu từ một địa chỉ cụ thể. Kiện toàn tổ chức quản lý khoa học theo hướng gọn nhẹ, hiệu quả;

    17. Tăng cường khai thác, đa dạng hóa nguồn kinh phí cho hoạt động khoa học công nghệ;

    18. Xây dựng chính sách thu hút nhân tài khoa học chuyên ngành mà nhà trường có nhu cầu;

    19. Mở rộng và tăng cường quan hệ thu hút đầu tư trong và ngoài nước vào cơ sở vật chất phục vụ hoạt động nghiên cứu khoa học và công nghệ đặc biệt là công nghệ ứng dụng.

Kết luận và khuyến nghị

    Chất lượng đào tạo không chỉ là uy tín, thương hiệu mà còn là yếu tố quyết định sự tồn tại và phát triển của nhà trường. Để có chất lượng đào tạo đáp ứng yêu cầu xã hội, hoạt động giảng dạy của người thầy phải gắn liền với hoạt động NCKH. Để đạt được điều đó nhà trường cần phải áp dụng đồng bộ các giải pháp cụ thể, phù hợp, vừa động viên khích lệ vừa rảng buộc trách nhiệm và quyền lợi đồng thời xây dựng một không gian khoa học trong nhà trường tạo động lực cho hoạt động NCKH phát triển.

    Tuy nhiên, bên cạnh sự nỗ lực nhằm đẩy mạnh hoạt động KHCN của nhà trường để mỗi cán bộ giảng viên vừa là giảng viên vừa là nhà khoa học cần có sự thay đổi mạnh mẽ, quyết liệt, đồng bộ từ các chủ thể: Nhà nước - Nhà trường - Giảng viên - Tổ chức, doanh nghiệp đặt hàng và sử dụng các sản phẩm khoa học. Khi đó, mục tiêu nâng chất lượng đào tạo ngang tầm khu vực và quốc tế mới trở thành hiện thực./.


Bạn đã tốt nghiệp tại Cao Đẳng Hàng Hải I và hiện đang:
 Làm việc đúng chuyên ngành
 Tìm việc
 Làm việc không đúng chuyên ngành
 Chờ học tiếp
Biểu quyết Xem kết quả
OnlineOnline
TotalTotal