Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan phát biểu chỉ đạo "Tuần lễ hưởng ứng học tập suốt đời" sáng 2/10/2011.
Phát biểu tại buổi lễ, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan khẳng
định: “Dân tộc Việt Nam vốn thông minh và hiếu học. Từ xa xưa, các thế
hệ người Việt Nam luôn coi trọng việc học, coi học tập là nền tảng cho
mọi thắng lợi. Truyền thống quý báu đó đã được hình thành, hun đúc và
phát triển trong suốt chiều dài lịch sử dân tộc. Trong tư tưởng của Chủ
tịch Hồ Chí Minh về giáo dục, tự học và học tập suốt đời là một luận
điểm quan trọng và xuyên suốt. Người từng nói: “Sự học là vô cùng”, “Thế
giới tiến bộ không ngừng, ai không học là lùi”; “Học hỏi là một việc
phải tiếp tục suốt đời. Suốt đời phải gắn liền lý luận với công tác thực
tế. Không ai có thể tự cho mình đã biết đủ rồi, biết hết rồi”. Bác Hồ
kính yêu của chúng ta là tấm gương sáng ngời về sự học như vậy. Người đã
từng tự học, vừa lao động để kiếm sống, biết và sử dụng thông thạo
nhiều ngoại ngữ mà không qua một con đường đào tạo chính quy nào. Chính
từ sự học đó mà Bác đã dẫn dắt dân tộc Việt Nam đến bến bờ vinh quang”.
Về điều kiện hiện nay, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị
Doan cho biết: “Trong bối cảnh toàn cầu hóa, giáo dục và đào tạo vừa là
quyền cơ bản của con người, vừa là chìa khóa của phát triển bền vững,
hòa bình, ổn định, tăng trưởng kinh tế - xã hội. Mục tiêu và cũng là
giải pháp mang tính thời đại của mọi nền giáo dục trên thế giới là xây
dựng xã hội học tập, tạo cơ hội học tập suốt đời cho mọi người dân. Để
giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ thực sự là “quốc sách hàng
đầu” theo chủ trương của Đảng và muốn đất nước phát triển thịnh vượng
thì bắt buộc chúng ta phải học tập để có nguồn nhân lực chất lượng cao.
Do đó, tôi mong muốn và đề nghị các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể
và mọi người dân cần quán triệt chủ trương của Đảng và Nhà nước về “Xây
dựng xã hội học tập, bảo đảm cho tất cả công dân Việt Nam có cơ hội bình
đẳng trong học tập, đào tạo” nhằm không ngừng nâng cao chất lượng giáo
dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, đưa dân tộc ta tới đỉnh cao của
văn hóa, văn minh, hiện đại. Cần đầu tư thích đáng cho giáo dục, đào
tạo, tạo môi trường lành mạnh cho học sinh…”.
Đông đảo các cơ quan và người dân Hà Nội tham dự lễ phát động buổi lễ.
Phó Chủ tịch nước cũng yêu cầu các Bộ, ngành địa phương cần tích cực
xây dựng và triển khai Đề án xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2011 -
2020 nhằm “Học tập suốt đời, góp phần nâng cao dân trí và năng lực công
dân, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và chất lượng cuộc sống của bản
thân, gia đình và xã hội”.
Ngưỡng mộ và tôn kính Chủ tịch Hồ Chí Minh, bà Katherine Muller -
Marin, Trưởng đại diện Văn phòng UNESCO tại Việt Nam nhắc lại tư tưởng
về học tập của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Xã hội càng đi tới, công việc càng
nhiều, máy móc càng tinh xảo. Mình không chịu học tập thì lạc hậu” rõ
ràng là một thực tế đương đại. Học tập là một nhu cầu cấp bách đối với
mỗi cá nhân để có thể thích nghi với những thay đổi nhanh chóng và khẳng
định giá trị nhân văn trong một thế giới toàn cầu hóa.
Bà Katherine Muller - Marin cho biết: "Viện Học tập suốt đời của
UNESCO đã khởi xướng việc tôn vinh Tuần lễ hưởng ứng học tập suốt đời
hay Tuần lễ người lớn học tập trên toàn thế giới. Tôi vui mừng khi Việt
Nam tổ chức sự kiện tôn vinh học tập suốt đời lần đầu tiên vào năm nay.
Tuần lễ này không chỉ là sự kiện. Công tác chuẩn bị cho Tuần lễ bản thân
nó đã biểu trưng cho một quá trình học tập trong đó các chủ thể liên
quan cùng nhau lập kế hoạch, trao đổi ý tưởng, và cùng nhau mang lại các
cơ hội học tập hứng khởi cho mọi người".
Từ phải qua:
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận, bà Katherine Muller - Marin và Phó Chủ
tịch Hội Khuyến học Việt Nam Nguyễn Mậu Bành tại buổi lễ.
Bà Katherine Muller - Marin cũng đề cao nỗ lực to lớn của Ban Chỉ đạo
quốc gia xây dựng xã hội học tập, Bộ GD-ĐT với vai trò là cơ quan
thường trực, trong việc lãnh đạo và điều phối các hoạt động chung được
thực hiện cùng với Hội Khuyến học Việt Nam, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du
lịch cũng như các tổ chức tham gia khác.
Tại Hà Nội, nhiều hoạt động diễn ra trong tuần lễ này ở khắp thủ đô
bao gồm: Sinh hoạt chuyên đề dành cho bố mẹ, ông bà về cách thức chơi
cùng con cháu, cho đến hội thảo khoa học về rà soát chính sách giáo dục
không chính quy, cũng như các chương trình nghệ thuật và khám phá trong
các bảo tàng nhằm thúc đẩy việc học tập lẫn nhau giữa các thế hệ.
Ngoài ra, các hoạt động của sự kiện còn bao gồm những chương trình
cho người cao tuổi về cách sống một cuộc sống lành mạnh và vui vẻ và
nhiều câu lạc bộ về triển lãm thư pháp, ngoại ngữ, các lớp học tăng
cường năng lực thông tin thư viện và nhiều hoạt động khác.